Thuế môi trường xăng dầu & những con vịt bị vặt lông - Dân Làm Báo

Thuế môi trường xăng dầu & những con vịt bị vặt lông

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Trong thư phúc đáp Thống đốc thuộc địa Pennsylvania ngày 11/11/1755, Benjamin Franklin (1706 – 1790) - một trong các Tổ phụ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, khi còn tòng sự tại Nghị viện Pennsylvania (The Pennsylvania Assembly) đã viết Those who would give up essential liberty, to purchase a little temporary safety, deserve neither liberty nor safety (Những người chịu từ bỏ sự tự do thiết yếu, để đổi lấy chút ít an toàn tạm thời, thì cũng không xứng đáng để có được tự do cũng như an toàn).

*

Sau vài lần thập thò thả bóng thăm dò trong suốt năm 2017, đẩy đưa từ các ban bệ tổng cục thuế, hải quan, bộ tài chánh, đến ủy ban thường vụ quốc hội của nhà nước cộng sản Hà Nội, hầu chuẩn bị... chiến trường cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường, cụ thể là thuế môi trường xăng dầu, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường trên một lít sản phẩm lên tới trần giới hạn hiện hành 4.000 VNĐ, đồng thời cũng nâng trần giới hạn mới của loại thuế này lên 8.000 VNĐ trên một lít xăng dầu, để như Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng tài chánh, lu loa là sửa đổi luật thuế môi trường nhằm động viên hợp lý sự đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu khi giải quyết những vấn đề môi trường. Trung tuần tháng 5/2018, liên bộ tài nguyên - môi trường và tài chánh, chính thức chuyển qua ủy ban thường vụ quốc hội dự thảo biểu thuế bảo vệ môi trường mới, trong đó riêng thuế môi trường xăng dầu đều điều chỉnh giá lên trần giới hạn hiện tại và dự trù sẽ đưa ra áp dụng từ 1/7/2018 trở đi.

Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng bộ tài chánh cộng sản Việt Nam. 

Hành động này hoàn toàn khớp với kịch bản một bước tiến chiến thuật, sau khi khua chiêng đánh trống, đe dọa áp đặt đến ba bước, trong âm mưu chiến lược lưu manh sẽ còn tăng thêm thuế môi trường, nhưng chỉ tăng dần dần thay vì tăng tối đa một lần, dễ gây phản ứng bất lợi trong dư luận.

Kẻ tung người hít hà, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả thuộc bộ tài chánh, nhanh chóng... thuổng ngay câu nói kinh điển trong nghề thâu thuế người dân của Jean Baptiste Colbert bộ trưởng tài chánh Pháp, dưới thời phong kiến chuyên chế hà khắc của vua Louis XIV "The art of taxation consists in so plucking the goose as to obtain the largest of feathers with the least possible amount of hissing" (Nghệ thuật đánh thuế cũng như nhổ lông ngỗng, nhổ được càng nhiều lông, mà ngỗng càng ít kêu là càng tốt), biến hóa thành châm ngôn trong cuộc thảo luận về thuế tại diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam vào tháng 6/2017 "Thu thuế như vặt lông vịt, vặt làm sao cho sạch, nhưng đừng quá vội để con vịt kêu toáng lên". Như vậy, trên lộ trình tính toán bòn rút thêm sức dân của Hà Nội, chỉ tính riêng về sắc thuế môi trường khởi đi từ 2017, ít nhất cũng sẽ có 70 – 80 triệu con vịt dân CHXHCNVN, sẽ bị nhà cầm quyền - luôn tự hào của dân, do dân và vì dân tiếp tục bóp hầu nặn thuế kiểu… vặt lông vịt, chẳng khác gì cáo buộc 73 năm trước của Hồ Chí Minh "Chúng (thực dân Pháp) bòn rút dân ta đến tận xương tủy" khi cộng sản còn đang tuyên truyền để o bế, dụ dỗ và lôi kéo toàn dân vào cuộc nổi dậy cướp chính quyền.


Cách nhau gần 400 năm, nhưng cái tâm, cái nhìn, mưu mô, cách thức hành động của giới quan chức cộng sản Việt Nam, vẫn cho thấy chưa thoát ra khỏi não trạng tăm tối kiểu gông cùm cai trị bạo ngược của vua quan nước Pháp trong thế kỷ 17 và 75 năm sau đó đã trở thành động cơ khơi mào cho cuộc cách mạng Pháp 1789, làm sụp đổ chế độ phong kiến Pháp, đồng thời dẫn tới các cuộc cách mạng dân chủ và sự ra đời của các nền cộng hòa tiếp theo trên toàn thế giới. 

Đây cũng là một thủ đoạn quen thuộc, xưa cũ, từng được thi thố biến hóa tới lui thường xuyên dưới chế độ cộng sản Hà Nội. Nhớ lại thập niên 70 của thế kỷ trước, tại các trại tù "cải tạo" của cộng sản miền bắc, giam nhốt các thành phần quân, cán, chính miền nam, hầu hết tù nhân đều bị kiệt quệ sức khỏe do đói, bởi khẩu phần ăn mỗi người tù chỉ có 14kg khoai mì, hoặc bobo một tháng, nhưng người cộng sản còn gian ác muốn giảm xuống mức 12kg, nên trước đó những ban quản trại được lệnh họp tù, thông báo tình hình đất nước khó khăn (?), nhà nước chỉ có khả năng cung cấp 10kg lương thực mỗi tháng cho mỗi người tù (thật ra cũng chỉ là khoai, sắn do tù nhân bị cưỡng bức lao động làm ra, cho ban quản trại nhân danh nhà nước quản lý để phân phối), gây ra tâm lý xôn xao trong tập thể tù, bởi viễn cảnh còn bị đói hơn nữa, tù sẽ tiếp tục chết hàng loạt nhiều hơn nữa và cho phép tù làm kiến nghị gởi lên "trên" cứu xét. Khi quả bóng áp lực đã có hiệu quả cao độ, ban quản trại mới họp tù và tuyên bố nhờ "trên" (?) ưu ái quan tâm nên mức ăn sẽ được tăng lên 12kg. Do đó, thực tế tù nhân đã bị cộng sản cắt bớt đi 2kg khoai, sắn mỗi tháng, nhưng vẫn mừng!!! và lại cam phận lầm lũi "cải tạo" trong hy vọng mong manh sẽ còn có ngày về với gia đình.

Luật thuế bảo vệ môi trường được nhà nước cộng sản Việt Nam ban hành và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012. Theo đó, luật xây dựng trên quy định người nào xử dụng sản phẩm gây ô nhiễm thì phải nộp thuế, theo nguyên tắc gián thâu, tức cộng thu thêm vào sản phẩm, hàng hóa gây tác hại xấu cho môi trường khi xử dụng, nên vừa có tác dụng gián tiếp điều chỉnh các mặt sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường, vừa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước để chi đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường. 

Thực tế xăng dầu - mặt hàng tiêu dùng có số lượng lớn tăng đều hàng năm (khoảng 18 triệu tấn trong năm 2016) và là nhu yếu phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống bình thường của người dân, với 85% dân chúng đã xử dụng khoảng 45 triệu xe gắn máy để làm phương tiện di chuyển chính, đã trở thành mãnh đất màu mỡ cho Hà Nội vắt kiệt sức dân, làm giàu cho bọn cơ hội và để lấp bớt lỗ hổng bội chi ngân sách do quản lý bết bát, dốt nát gây thất thoát, lãng phí và tệ nạn đục khoét công sản, tham nhũng lan tràn trong mọi tầng lớp quan chức công quyền của chế độ, qua 4 loại thuế, gồm thuế xuất, nhập cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng VAT (Value Added Tax) và thuế bảo vệ môi trường. Trong đó những tính toán từ các chuyên viên trong nước cho thấy giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam, trên căn bản tổng thành giá nhập cảng và những loại thuế nó phải cỏng theo trên lưng để đến với người tiêu dùng đã không hề theo tỷ lệ 60/40 như "miệng quan trôn trẻ" leo lẻo dẫn chứng mà thực tế là ngang ngửa 50/50 và mang lại khoảng 10% giá trị trong tổng thu ngân sách hàng năm của Hà Nội. 

Ngược lại, với than đá – nguồn phát tán ô nhiểm môi trường nặng nề nhất hiện nay tại Việt Nam, chiếm 55% trong tổng lượng khí thải CO2 (Carbon Dioxide) năm 2014 là 143,3 triệu tấn CO2, năm 2015 là 206,1 triệu tấn CO2, so với 30% ô nhiểm CO2 từ xăng dầu và 15% từ khí thiên nhiên, nhưng do là sân chơi của các ông lớn EVN (Việt Nam Electricity), TKV (Than đá & Khoáng sản Việt Nam) còn gọi là Vinacomin (Việt Nam National Coal Mineral Industries), cấu kết với Trung cộng biến Việt Nam thành nơi tiếp nhận công nghệ lạc hậu, phế thải từ hoa lục chuyển qua, với hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than xây dựng từ bắc vào nam, nên lại được Hà Nội ưu đãi một cách khốn nạn và hèn hạ, không những đã không tăng mà còn giảm tỷ lệ đóng thuế bảo vệ môi trường từ 5% trong năm 2012, xuống dưới 2% trong năm 2016.

Năm 2012 mức thuế môi trường xăng dầu áp dụng lần đầu là 1.000 VNĐ/1 lít xăng, 500 VNĐ/1 lít dầu diesel và 10 VNĐ/1kg than. Tháng 5/2015 là lần tăng thứ nhất, một lít xăng phải cộng thêm 3.000 VNĐ, một lít dầu diesel cộng thêm 1.500 VNĐ thuế bảo vệ môi trường, trong khi thuế than đá vẫn giữ nguyên và nhà nước cộng sản Hà Nội đã ma đầu ru ngủ, xoa dịu người dân, bằng cách đưa ra quy định trần giới hạn thuế môi trường đối với xăng là 4.000 VNĐ/1 lít, so với giới hạn thuế dầu diesel là 2.000 VNĐ/1 lít và 50 VNĐ/1 kg than.

Tổng thu riêng về thuế bảo vệ môi trường xăng dầu trong 5 năm, từ 2012 đến 2016 là gần 106 ngàn tỷ VNĐ, trung bình thu mỗi năm gần 22,2 ngàn tỷ VNĐ, chiếm tỷ lệ 0,34 đến 0.98% trên GDP và từ 88 – 98% trong tổng thu thuế bảo vệ môi trường hàng năm. Cụ thể số thu tăng đều đặn hàng năm, có diễn tiến năm 2012 thu 11,16 ngàn tỷ, năm 2013 thu 11,53 ngàn tỷ, năm 2014 thu 11,97 ngàn tỷ, năm 2015 thu 27,02 ngàn tỷ và năm 2016 thu 44,33 ngàn tỷ. Năm 2017 đã thu được 44,83 ngàn tỷ VNĐ về thuế môi trường xăng dầu.

Tổng chi cho hoạt động bảo vệ môi trường (mục đích chính khi thâu thuế) tương ứng trong cùng thời gian là 52,5 ngàn tỷ VNĐ, có diễn tiến năm 2012 chi 9 ngàn tỷ, năm 2013 chi 9,8 ngàn tỷ, năm 2014 chi 10 ngàn tỷ, năm 2015 chi 11,4 ngàn tỷ và năm 2016 chi 12,3 ngàn tỷ.

Chưa tính các xà xẻo của mọi quan chức có liên quan, cũng như hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, so với tổng thu, số tiền bị Hà Nội chiếm dụng, chi tiêu sai mục mục đích của thuế môi trường xăng dầu, đã lên tới 53,5 ngàn tỷ VNĐ trong năm năm 2012 – 2016 và bằng hơn 50% tổng thu.

Với dự luật sửa đổi biểu thuế bảo vệ môi trường 2018, theo các nhà hoạch định chính sách của cộng sản Việt Nam, mức thuế môi trường xăng dầu mới trên một lít nhiên liệu cụ thể sẽ là 4.000 đối với xăng các loại (trừ ethanol), 3.000 cho xăng máy bay, 2.000 cho dầu diesel, 300 đối với dầu hỏa đốt đèn, 2.000 đối với dầu mazut (dầu FO), 2.000 cho nhớt các loại (lubricant) và 2.000 đối với mở bôi trơn các loại (grease). Để khỏa lấp mưu đồ chính, bên cạnh các mặt hàng xăng, dầu, các mặt hàng khác như than đá, túi nylon… cũng bị liên bộ môi trường, tài chánh đề nghị tăng thêm thuế bảo vệ môi trường, như 1kg than sẽ tăng thêm 5 đồng và 1kg túi nylon tăng thêm 10.000 đồng.

Theo đó, số thu từ xăng dầu sẽ vào khoảng 55 ngàn tỷ, tăng 14,4 ngàn tỷ, số thu từ than đá vào khoảng 2,4 ngàn tỷ, tăng 795 tỷ và số thu từ túi nylon sẽ là 67,5 tỷ, tăng 13,5 tỷ. Tổng cộng số tiền thu thuế bảo vệ môi trường dự trù ở mức 57,7 ngàn tỷ và tăng thêm 12,9 ngàn tỷ so với năm 2017.

Các lý sự để thoải mái… vặt lông vịt, đã được các quan chức thuộc bộ tài chánh cộng sản, từ Đinh Tiến Dũng bộ trưởng, Vũ Thị Mai thứ trưởng, Phạm Đình Thi vụ trưởng vụ chính sách thuế, Vũ Khắc Liêm, phó vụ trưởng vụ chính sách thuế và Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục quản lý giá, loay hoay chống chế xoay quanh các biện luận sau:

1/ Tăng thuế bảo vệ môi trường là giải pháp phù hợp với thực tế do phải điều chỉnh thuế nhập cảng từ mức ưu đãi MFN (Most Favoured Nation) qua mức ưu đãi đặc biệt, theo những cam kết sau khi Việt Nam tham gia ký kết 10 hiệp định thương mại tự do FTA (Free Trade Agreement) gồm 6 FTA khu vực giữa Việt Nam với khối ASEAN, giữa ASEAN với Trung cộng, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc – Tân Tây Lan và 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản, Nam Hàn, Chile và liên minh kinh tế Á – Âu EAEU (Eurasian Economic Union ).

Vũ Thị Mai, thứ trưởng bộ tài chánh.

Đây là lối nói kiểu "cả vú lấp miệng em". Thuế nhập cảng xăng dầu ngoài các mặt hàng xăng máy bay, dầu diesel, dầu mazut và dầu hỏa đốt đèn (có khối lượng nhập cảng ít) là bị chuyển sang mức thuế ưu đãi đặc biệt theo FTA, tức từ mức thuế 10 – 13% theo MFN, cắt xuống còn 0 – 15% tùy hiệp định. Riêng đối với xăng (có khối lượng nhập cảng tuyệt đối lớn) vẫn thuộc danh mục loại trừ, với thuế suất MFN là 20% - ngoại trừ thuế xăng nhập cảng từ Nam Hàn cắt giảm còn 10%, do Việt Nam ký bị "hớ" với đối tác khi thương thuyết (?). Do đó trên thực tế mức thâm hụt thuế xuất, nhập cảng xăng dầu chưa lớn. Năm 2015 tổng thu thuế xăng dầu nhập cảng là gần 36 ngàn tỷ VNĐ, nhưng số hoàn thuế theo thuế suất ưu đãi đặc biệt (với đòi hỏi phải có chứng từ nguồn gốc xuất xứ C/O – Certificate of Origin) chỉ có hơn 3,5 ngàn tỷ VNĐ, chiếm tỷ lệ 9,75% trong tổng số thu.

Hơn nữa, bộ tài chánh qua thông tư 78/2015 còn giở thêm trò lưu manh với người dân, khi quy định giá căn bản xăng dầu trong nước (căn cứ để tính giá bán lẽ) vẫn tính theo thuế suất MFN tức xăng 20%, dầu diesel và dầu mazut 10%. Vừa dốt nát (hay do đã ăn quả đút) phải chịu thua thiệt với người ngoài để thuế suất xăng dầu nhập cảng từ Nam Hàn chỉ bằng một nữa giá thuế xăng nội địa, vừa cấu kết với các phe nhóm lợi ích đại gia tư bản đỏ Petrolimex, để ăn chận chênh lệch 5 – 10% tiền thuế nhập cảng đối với dầu diesel, mazut và 10% đối với xăng, rồi đổ hết lên đầu… vịt dân CHXHCNVN, rõ ràng là một hành động gian xảo, thô bỉ của tập đoàn cộng sản Việt Nam và các ngụy biện tăng thuế bảo vệ môi trường là để phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu chỉ là trò đánh lận, một cách nói láo lưu manh không hơn không kém. 

2/ Tăng thuế bảo vệ môi trường vì giá bán lẻ xăng của Việt Nam đang còn quá rẽ so với thế giới và nhiều nước trong khu vực. Theo bộ tài chánh giá xăng tại Việt Nam "thấp" hơn đến 120 – 122 quốc gia đối chứng?.

Phạm Đình Thi, vụ trưởng vụ chính sách thuế, bộ tài chánh.

Đây là một sự đối chứng mù lòa, phiến diện và sai từ căn bản, bởi không thể đem so sánh cao, thấp về một giá trị đại lượng tuyệt đối của hai phía đã hoàn toàn bất đẳng (inequality) từ bản chất, tức là mức chênh lệch túi tiền (GDP per capita) giữa các bên so găng trên võ đài kinh tế.

Theo trang mạng GlobalPetroPrice, tính đến tháng 5/2018 giá một lít xăng tính bằng USD tại Việt Nam là 0,93, cao hơn Indonesia giá 0,65 và Malaysia là 0,55. Giá này thấp hơn Cambodia 1,04, Philippines 1,06, Thailand 1,13, Lào 1,24, Nam Hàn 1,46 và Singapore 1,61. Tính từ giá thấp đến giá cao, xăng Việt Nam xếp hạng 50 trong 168 quốc gia đối chiếu, tức còn thấp hơn 118 nước khác.

Theo quỹ tiền tệ quốc tế IMF, ước tính GDP đầu người ở Việt Nam vào năm 2018 tính bằng USD sẽ vào khoảng 2.546. So với các nước đối chứng giá xăng dầu kể trên, GDP Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Cambodia (1.499), ngoài ra đều sút kém rất nhiều so với Indonesia 4.052, Malaysia 11.237, Philippines 3.095, Thailand 6.992, Lào 2.706, Nam Hàn 32.775 và Singapore 61.767. Tính mức độ nghèo giàu, người dân Việt Nam xếp hạng 137 trong 191 dân thế giới đối ứng, chỉ khá hơn 54 sắc dân khác thuộc các quốc gia chậm tiến châu Phi, Trung Á, Nam Á và hải đảo Thái Bình Dương. 

Tính theo giá trị tuyệt đối, giá xăng của Việt Nam so với GDP đầu người đã đứng vào hạng cao ngất ngưỡng thế giới, chiếm tỷ lệ khoảng 14,5% trên tổng thu nhập trung bình người dân mỗi năm, chỉ đứng sau Pakistan là 14,98% và Ấn Độ là 21,19%. Trong khi tỷ lệ này tại Thailand là 5,77%, Trung cộng 4,45% và Singapore chỉ có 0,91%.

Do đó khi có đủ… can đảm làm mặt dày để làm phép tính so sánh vừa nêu, rõ ràng giới công bộc của tập đoàn mafia cộng sản Việt Nam, ngoài cái dã tâm chỉ biết tìm cách bóc lột người dân triệt để và mọi kiểu, thì cũng chỉ bộc lộ thêm ra được cái trình độ thấp kém và ngu dốt của nó mà thôi.

3/ Tăng thuế bảo vệ môi trường để tạo thêm nguồn thu khi giải quyết các vấn đề môi trường (?). Đây lại là sự lẻo lự của những cái lưỡi không xương và các trò giễu dở của giới tinh hoa của những tinh hoa dân tộc (?!).

Theo trang mạng Numbeo – một cơ sở dữ liệu trực tuyến lớn nhất toàn cầu, với hơn 1,3 triệu dữ liệu thu thập từ hàng trăm tổ hợp truyền thông quốc tế, hợp tác và chia xẻ với người xử dụng các nguồn tin về chi phí sinh hoạt, tội phạm, ô nhiễm, giao thông và chăm sóc sức khỏe trên thế giới, đã đưa ra đánh giá về chỉ số ô nhiễm Pollution Index và Cost of Living của Việt Nam trong cuối năm 2017 vào hạng gần chót (hạng 94) trong tổng số 98 quốc gia được theo dõi.

Chỉ tính về mức độ ô nhiễm không khí AQI (Air Quality Index), đo lường theo nồng độ và chỉ số bụi mịn lơ lửng PM2.5 (nhỏ dưới 2,5 microgam và bằng 3% đường kính sợi tóc) thì môi trường Việt Nam hiện nay đều vượt qua rất xa các chỉ tiêu trung bình của tổ chức y tế thế giới WHO. Cụ thể các số liệu quan trắc do các tòa đại sứ Hoa Kỳ, tòa đại sứ Đức và tòa lãnh sự Hoa Kỳ thực hiện tại Hà Nội và Sài Gòn trong hai năm 2016 – 2017 đã cho thấy... Cư dân Hà Nội thở bụi khí PM2.5 ở nồng độ 44 microgram/m3 (AQI PM2.5 = 122) tương đương hút 2 điếu thuốc mỗi người một ngày, bị giảm 2 năm tuổi thọ và có 7.478 người thiệt mạng hàng năm vì bụi khói. Cư dân Sài Gòn hít thở bụi khí PM2.5 ở nồng độ 28 microgram/m3 (AQI PM2.5 = 85) tương đương hút 1,27 điếu thuốc mỗi người một ngày, nên bị giảm 4 tháng tuổi thọ và có 4.757 người thiệt mạng hàng năm vì bụi khói (Phạm Phan Long, Đã đến lúc Việt Nam phải tuyên chiến với bụi khói, VOA 29/3/18). Số liệu mới nhất do tổ chức GreenID (Green Innovation and Development Centre) ở Hà Nội công bố trên căn bản phân tích số liệu quan trắc khu vực do WHO thu thập, xác định Hà Nội bị ô nhiễm không khí đứng hạng hai trong số 23 thành phố được khảo sát tại bốn quốc gia Việt Nam, Thailand, Myanmar và Indonesia.

Báo cáo của bộ giao thông vận tải Hà Nội ghi nhận ô nhiễm không khí vì bụi khói thải ra nhiều nhất là từ các nhà máy nhiệt điện (40%), các hoạt động thiêu đốt nhiên liệu than, dầu, khí dân dụng (33%) và trong hoạt động giao thông vận tải (22%), nhưng thuế suất bảo vệ môi trường của than hiện hành không những thấp nhất, mà đang còn có khuynh hướng cắt giảm dần.

Trong khi xu thế chung của thế giới là giảm bớt và tiến đến việc chấm dứt xử dụng điện than – đã là nguyên nhân gây ô nhiễm đưa đến cái chết cho 13.000 người ở Hoa Kỳ và cho 366.000 người khác ở Trung cộng trong năm 2013, khiến tính đến năm 2015 Hoa Kỳ phải đóng cửa 189/236 nhà máy điện than và sẽ xóa bỏ hết trong năm 2022, Trung cộng cũng đang giảm dần mức tiêu thụ than và hủy bỏ các kế hoạch phát triển điện than - thì tại Việt Nam tập đoàn điện lực EVN lại ráo riết cấu kết với các đầu sỏ điện than của Bắc Kinh, đẩy nguồn ô nhiễm xuống phía nam. Quy hoạch điện của EVN theo lộ trình đến năm 2030 là thông qua vốn vay, tiếp nhận trang bị, kỹ thuật của Trung cộng, xây dựng thêm một loạt 53 nhà máy nhiệt điện than, rãi đều khắp đất nước, đưa tỷ lệ điện than lên 53,3% toàn ngành điện, dù nghiên cứu của viện đại học Harvard – Hoa Kỳ khuyến cáo hậu quả của kế hoạch này sẽ làm con số dân Việt Nam chết vì bụi khói hàng năm sẽ tăng gấp 5 lần, tính theo tỷ lệ dân số sẽ cao gấp 2 lần Trung cộng, cụ thể là có khoảng 25.000 nạn nhân… vịt dân CHXHCNVN thiệt mạng hàng năm vì không khí ô nhiễm. 

Do đó, khi thu thuế thì hô hào để bảo vệ môi trường, nhưng tiền chi cho hoạt động cải thiện môi trường lại chưa tới 50% tổng thu hàng năm, hơn 50% còn lại bị tẩu tán vào đâu không biết và vẫn đang còn đòi tăng thu thêm. Bên cạnh đó. nguồn gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất thì được dung dưỡng và phát triển thêm?!! nghịch lý này càng cho thấy lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên đảng cộng sản luôn là những kẻ... phi phàm trong lãnh vực điêu ngoa, biến báo từ suy nghĩ, khả năng, tới hành động, luôn ứng với chân lý đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.

4/ Tăng thuế bảo vệ môi trường nhằm phù hợp với mức thu của các lân bang, để hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu xuyên biên giới?!

Buôn lậu xăng dầu tại Việt Nam không phải là vấn đề mới mẻ, mà đã nở rộ từ lâu, từ buôn lậu cò con đem xăng dầu từ Việt Nam sang Laos, Cambodia để thu lợi do chênh lệch giá bán lẻ giữa ba quốc gia liên vùng, đến buôn lậu theo đường biển quy mô lớn hàng trăm ngàn tấn xăng dầu, mang tính chất quốc tế, trải rộng từ eo Malacca, Thailand, Singapore, Philippines, Trung cộng vào đến Việt Nam, với sự tiếp tay của biên phòng, cảnh sát biển, công an, hải quan, nhằm hưởng lợi khi trốn được mọi loại thuế, phí xấp xỉ 50 xu Mỹ do Hà Nội áp đặt lên một lít xăng dầu. Do đó biện luận này là một sự ngớ ngẩn đến mức lố bịch. Thực tế càng tăng thuế lại càng khuyến khích buôn lậu, một khi những thành phần chấp pháp con cưng của chế độ, vẫn còn nhung nhúc kiếm ăn sung mãn trên những mâm cổ do cộng sản Hà Nội mời gọi bày ra.

Tóm lại trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa hội không biết đến cuối thế kỷ 21 đã ló dạng chưa, nhưng các áp đặt nghiệt ngã của chế độ cộng sản Hà Nội lên đầu người dân thì đã bao phủ đều khắp, xã hội sa đọa, đạo đức suy đồi, ô nhiễm mọi mặt, đời sống dân đen đã bị bần cùng hóa tới tận đáy, bởi gánh nặng đủ loại thuế, phí và các chi phí bôi trơn của thủ tục “ đầu tiên “ giăng mắc trước ngưỡng cửa mọi cơ quan công quyền. Chỉ tính riêng về thuế, phí phải đóng góp cho chế độ tính trên GDP thì người dân Việt Nam đã đóng cao gấp 1,5 đến 3 lần so với dân các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, nhưng chỉ để cho Hà Nội bòn rút, nhũng lạm đút túi làm của riêng và nuôi báo cô gần 3 triệu công chức (không tính hàng triệu khác trong lực lượng quân đội công an, an ninh), mà trong đó có hơn 30% là loại “ sáng xách ô đi, chiều cắp ô về “ không làm gì cả mà trơ tráo hút đến 83% công quỹ.

Cách đây non ba thế kỷ, Benjamin Franklin (1706 – 1790) - một trong các Tổ phụ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã nói Những người chịu từ bỏ sự tự do thiết yếu, để đổi lấy chút ít an toàn tạm thời, thì cũng không xứng đáng để có được tự do cũng như an toàn. Người dân Việt Nam đã cam chịu vòng kim cô cộng sản hơn 70 năm và sẽ cam chịu đến bao giờ (?). Làm người hay tiếp tục thân phận làm vịt cho cộng sản vặt lông tới chết, chỉ duy nhất có người dân Việt Nam tự quyết định.

05/2018.


_________________________________

GlobalPetroPrice, Gasoline Prices Around the World, May 2018.

IMF, List of Countries by Projected GDP per capita, 5/2018. 

EDGAR ( Emissions Database for Global Atmospheric Research ) by European Commission and Nertherlands Environmental Assessment Agency, List of countries by carbon dioxide emissions, 2014, 2015.

Việt NamNet, Giá xăng Việt Nam rất đắt đỏ so với thế giới, 24/7/2016. 

Phạm Phan Long, Đã đến lúc Việt Nam phải tuyên chiến với bụi khói, VOA 29/3/18.

Lê Anh Tuấn, Phát triển nhiệt điện than ở đồng bằng sông Cửu Long : Những điều cần làm rõ, Cantho University & GreenID, 11/2016. 

-->


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo