Cải cách điền địa (ruộng đất) dưới thời VNCH - Dân Làm Báo

Cải cách điền địa (ruộng đất) dưới thời VNCH

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Nhân đọc qua bài viết "Chế độ VNCH trong sách giáo khoa nước Anh" luân lưu trên Net, được cho là trích từ sách giáo khoa lịch sử Anh quốc dành cho học sinh chương trình dự bị đại học của Oxford University, trong đó đã đề cập đến vấn đề cải cách điền địa (tức cải cách ruộng đất theo lối nói ở miền bắc Việt Nam) và chương trình ấp chiến lược của chính phủ VNCH, vừa phiến diện, thiển cận và chứa đựng đầy rẫy các quy chụp láo khoét và bất lương, hoàn toàn bất chấp sự thật, kiểu truyền thống truyền thông thiên tả tây phương. Để rộng đường dư luận, nhất là để cung cấp cho giới trẻ Việt Nam sinh sau năm 1975 có thể hiểu đúng và rỏ hơn về lịch sử Việt Nam cận đại, chúng tôi xin bổ túc các điều thu nhặt được về công cuộc cải cách điền địa và chương trình ấp chiến lược ở miền nam Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975.

*

Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng quá lớn trong tệ nạn chiếm hữu ruộng đất dưới thời Pháp thuộc, điều chỉnh và cưởng hành quan hệ ăn chia (tô tức) giữa chủ điền và tá điền bằng biện pháp luật hóa, đồng thời để tái phân phối ruộng đất của Pháp kiều, ruộng đất bỏ hoang vì chiến cuộc, cũng như để hợp lý hóa số ruộng đất trong vùng Việt Minh kiểm soát chia cho nông dân trước đó, chính phủ VNCH đã hai lần tiến hành công cuộc cải cách điền địa, tái phân chia, đem lại ruộng đất cho dân cày là chương trình cải cách điền địa dưới thời đệ nhất cộng hòa (1955-1963) và luật Người cày có ruộng, tức cuộc cải cách điền địa lần thứ hai, dưới thời đệ nhị cộng hòa (1967-1975). 

Năm 1955, ở cương vị Thủ tướng chính phủ quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ban hành dụ số 2 vào tháng 1/1955 và dụ số 7 vào tháng 7/1955, đánh dấu bước đầu chính sách cải cách điền địa tại miền nam Việt Nam, thông qua việc thiết lập quy chế tá canh và đề ra biện pháp giải quyết số ruộng đất đang bị hoang hóa.

Quy chế tá canh quy định mỗi khi tiến hành cho thuê, hay mướn ruộng đất canh tác, hai phía nông dân và chủ điền đều phải làm hợp đồng cụ thể bằng văn bản, với chu kỳ hiệu lực tối thiểu 5 năm. Tá điền có quyền không tái ký và trả lại ruộng, nhưng phải báo trước cho chủ điền 6 tháng. Chủ ruộng muốn không cho tái ký để lấy lại ruộng, phải báo trước tá điền 3 năm. Tô tức, hay địa tô thay vì thả nổi từ 40 – 60% như trước, được chính phủ quy định lại bằng 15% số thu hoạch, đối với ruộng 1 vụ, hay 25% số thu hoạch trong vụ chính, đối với ruộng 2 vụ mỗi năm. Có khoảng 733.055 khế ước liên quan đến 1.386.093 ha ruộng đất, đã được ký kết theo quy chế tá canh. 

Số ruộng bỏ hoang (không có chủ điền đứng ra nhận quyền sở hữu hợp pháp khi chính quyền địa phương tiến hành kiểm kê) ước định có khoảng 500.000 ha, phần lớn là tài sản của giới trung điền chủ (sở hữu 5 - 10 ha) và của đại điền chủ (sở hữu 50 ha trở lên), đều được coi thuộc quyền sở hữu quốc gia và đều được chính quyền sở tại tổ chức cấp phát miễn phí cho tá điền tại địa phương. 

Một năm sau khi thiết lập quy chế tá canh, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ký dụ số 57 trong tháng 10/1956, chính thức ban hành chính sách cải cách điền địa áp dụng cho toàn cõi VNCH. 

Luật quy định mỗi điền chủ chỉ còn quyền tư hữu tối đa 100 ha ruộng đất, trong đó có 30 ha phải trực canh và 70 ha khác được quyền cho thuê theo quy chế tá canh. Phần ruộng đất dư ra, chính phủ sẽ truất hữu và bồi hoàn cho chủ điền theo công thức trả trước 10% tổng giá trị bằng tiền mặt, 90% còn lại được trả bằng trái phiếu chính phủ, có thời hạn 12 năm, với lãi suất 3% mỗi năm. Trái phiếu chính phủ cũng có hiệu lực khi dùng trả thuế điền thổ, hay mua chứng khoán của những công quản quốc doanh. Số đất ruộng truất hữu được chính phủ bán lại cho tá điền, với định mức tối đa 5 ha mỗi nông hộ, theo nguyên tắc bán trả góp 12 năm và đúng theo trị giá vốn, lải khi truất hữu. 

Có 430.319 ha ruộng đất, thuộc sở hữu của 2.035 đại điền chủ (82% số đại điền chủ toàn miền) bị truất hữu bởi hiệu lực chi phối của dụ 57, cùng 220.813 ha ruộng đất khác của Pháp kiều, cũng bị truất hữu theo thỏa thuận Việt - Pháp ngày 11/9/1958, nâng tổng số diện tích ruộng đất truất hữu trên toàn miền nam lên 651.132 ha.

Trong thời kỳ 1957 – 1963 số tá điền được hữu sản hóa trở thành tiểu điền chủ có dưới 5 ha đất ruộng là 126.050 người, với tổng số ruộng đất được chuyển đổi quyền sở hữu là 252.218 ha. Trong đó có 123.198 tá điền được hưởng lợi theo luật cải cách điền địa của chính phủ và 2.857 tá điền khác, tự mua lại ruộng từ chủ điền theo phương thức trực tiếp thương lượng giữa hai bên.

"…Mặc dù bị truất hữu, giới điền chủ giàu có vẫn tỏ ra hài lòng. Trong thời kỳ chiến tranh, phần lớn các trung điền chủ (5-10 ha) và đại điền chủ (hơn 50 ha hoặc nhiều hơn) phải rời bỏ nông thôn, bỏ hoang ruộng đất, nhà cửa, tài sản bị xem như là đã mất. Vì họ vắng mặt, nên Việt Minh xung công ruộng đất của họ, chia ra thành nhiều lô và phân phát không cho các tá điền, địa tô bị hủy bỏ. Do quy chế tá canh và dụ 57 khôi phục lại quyền sở hữu ruộng đất của chủ điền, chủ điền được quyền thu địa tô và lảnh tiền bồi thường thiệt hại khi bị truất hữu. Hơn nữa, giới đại điền chủ còn được quyền giữ lại 100 ha mà lợi tức mỗi năm (nhờ thâu địa tô) thừa nuôi sống họ một cách thoải mái. Tá điền cũng không chống đối chính sách cải cách điền địa của Tổng thống Ngô đình Diệm. Chiếu theo quy chế tá canh, tất cả nông dân canh tác trên mảnh ruộng do Việt Minh cấp phát lúc trước, đều có quyền được tiếp tục, chỉ với điều kiện phải trả địa tô, quyền tá canh của họ vẫn được chính phủ nhìn nhận và bảo đảm, địa tô còn được giảm hơn 50% so với thời kỳ thuộc địa, nên rất có lợi cho tá điền. Hơn nữa dụ số 57 còn tạo cho tá điền một cơ hội tốt để trở thành các tiểu điền chủ..." (Lâm thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất tại Việt Nam 1954 – 1994, 08/1994).

Bảng dẫn: Thành phần sở hữu và quy mô ruộng đất canh tác của các gia đình nông dân VNCH năm 1960.

Tiếp theo chính sách cải cách điền địa, chính quyền đệ I cộng hòa còn được hai chính phủ Hoa Kỳ, Pháp và tổ chức y tế quốc tế WHO (World Health Organization) tài trợ, triển khai thêm chính sách dinh điền và khu trù mật, để giải quyết nhu cầu ổn định đời sống cho gần một triệu đồng bào miền bắc di cư vào nam và giải tỏa phần nào áp lực thất nghiệp đang trên đà gia tăng trong vùng đồng bằng duyên hải miền trung. Phủ tổng ủy dinh điền đặt trực thuộc Phủ Tổng thống được thành lập tháng 1/1957.

Dinh điền là những khu làng mạc mới dành cho đồng bào di cư, đồng thời cũng là nơi để điều hòa dân cư, tiếp nhận các thành phần nông dân trong vùng duyên hải miền trung đang thiếu đất canh tác, giới thợ thuyền không có tay nghề chuyên môn đang thất nghiệp ở các khu đô thị, các gia đình binh sĩ đã giải ngũ… được di chuyển đến, cũng như để định canh, định cư, cải tiến dân sinh cho thành phần đồng bào sắc tộc thiểu số ngay trong vùng thiết lập dinh điền.

Các khu dinh điền có quy mô từ 1.000 đến 1.500 dân, thiết lập tại các vùng đất đang bỏ hoang hóa ở miền tây Nam phần, ở những vùng đất rộng thưa người tại miền đông Nam phần và trên cao nguyên Trung phần. Một gia đình ở những dinh điền trong vùng miền tây Nam phần, được phủ tống ủy dinh điền cấp phát 1 - 3 ha đất, ở dinh điền miền đông, hoặc trên cao nguyên được cấp phát 1 ha đất, đồng thời tất cả đều có quyền khẩn hoang thêm, để có mức quy định tối đa 5 ha đất canh tác cho mỗi gia đình. Về phúc lợi xã hội, mỗi khu dinh điền đều có chợ, trạm y tế - hộ sinh và một trường tiểu học có 8 lớp. Trợ cấp chính phủ cho mỗi gia đình đến dinh điền định cư gồm 1 năm lương thực cho đến khi thu hoạch được vụ mùa đầu tiên, được cấp phát các nông cụ cầm tay, cây, con giống, phân bón hóa học… và được quốc gia nông tín cuộc cho vay lãi suất thấp, để có phương tiện tài chánh canh tác, hay để phát triển chăn nuôi. 

Khi một tổ chức dinh điền đã phát triển phồn thịnh, hay đối với một số các cộng đồng cư dân nông nghiệp nguyên thủy quá hẻo lánh, xa cách trục giao thông, an ninh trị an không bảo đảm, sẽ được chính quyền quy khu tập trung, nâng cấp lên thành khu trù mật tại những địa điểm có tính cách chiến lược như dọc theo biên giới, hoặc xung quanh một thành phố lớn. Khu trù mật có quy mô 3.000 - 3.500 dân, với các tổ chức hạ tầng cơ sở tương đương như cấp thị trấn. Chính phủ cấp phát cho mỗi gia đình trong khu trù mật một mảnh đất 3.000m2 để lập vườn, xây cất nhà, khu trại chăn nuôi heo, gà gia đình với vật liệu toàn bộ do chính quyền địa phương cung cấp. 

Năm 1957 có 16 dinh điền được thiết lập, năm 1958 tăng thêm 32, năm 1959 có thêm 36, năm 1960 thêm 42 và tổng cộng tính đến tháng 10/1960 có tổng cộng 126 dinh điền. Các tỉnh nhiều dinh điền là Pleiku có 25 và Darlac có 22. Số khu trù mật thành lập trong năm 1960 là 17 khu. Tính qua năm 1961 hình thành tổng cộng 169 trung tâm định cư mới (kể luôn 25 khu trù mật thiết lập trong vùng đồng bằng sông Cữu Long) gồm 50.080 gia đình, 250.000 nhân khẩu, có tổng số đất khai hoang, hoặc tái canh là 109.379 ha. 

Chương trình cải cách điền địa theo dụ 57 và các chủ trương đi kèm dinh điền, khu trù mật dưới thời đệ nhất cộng hòa (1955 – 1963) đã góp phần hữu sản hóa cho 176.130 gia đình nghèo khó thuộc thành phần tá điền (gần 20% tổng số tá điền miền nam) và các nông dân tái định cư trở thành những tiểu điền chủ có từ 1 tới 5 ha ruộng đất, với tổng số diện tích ruộng đất là 361.597 ha.

Trong khi đó tài liệu giáo khoa lịch sử trong trường học Anh quốc viết "…Một trong những vấn đề đầu tiên mà Diệm cần giải quyết là việc phân bổ ruộng đất. Một số thành phần căn bản và ôn hòa chủ trương ủng hộ việc phân phối lại đất ruộng cho nông dân có đủ đất để canh tác. Khi còn hiện diện ở miền nam, Việt Minh đã giúp nông dân phân chia lại khoảng 600.000 ha ruộng, nhờ đó rất nhiều người sở hữu được đất ruộng và khỏi phải đóng tô từ năm 1945. Năm 1955 Diệm đảo ngược điều này, buộc nông dân phải đóng lại địa tô. Sau đó đến năm 1958 họ phải mua trả góp đất ruộng đang canh tác trong 6 năm, điều này quá tốn kém, khiến nhiều nông dân phải rời bỏ miếng đất mà họ đã từng làm chủ…" Một cách viết cắt xén, nhào nặn có chủ ý, một lối diễn giải vấn đề theo nguyên tắc "một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật" rất được khối tuyên vận cộng sản, bọn phản chiến bệnh hoạn, nghiện ngập quốc tế và giới trí thức tháp ngà tây phương ưa chuộng, lạm dụng trong mục đích lèo lái dư luận. 


Thời điểm 1945 – 1954 là giai đoạn cuộc chiến tranh Việt Pháp đang diễn ra khốc liệt, phần lớn các vùng nông thôn đều đang là chiến trường tranh chấp, giành giật giữa hai phe lâm chiến, hay là vùng xôi đậu (ngày quốc gia, đêm cộng sản) và một số khác xa xôi hơn mới là vùng Việt Minh áp đặt được sự kiểm soát. Do đó, ngoài những chi tiết đã bị bóp méo sự thật, việc nhấn mạnh chuyện Việt Minh chia lại 600.000 ha ruộng đất cho nông dân của bọn phản chiến tả khuynh quốc tế, chỉ đơn thuần là một hoạt động đánh bóng cho một chủ trương chiến thuật, mị dân, để mua chuộc sự ủng hộ trong giai đoạn của phe cộng sản. Khi khả năng khống chế, kiểm soát cộng đồng bị giới hạn, hay mong manh, không chắc chắn, thì không ai có thể lấy ngang và cho không vĩnh viễn những thứ tài sản không phải là của mình – ngoại trừ bọn lục lâm, thảo khẩu kiểu Tàu – hơn nữa, trong trường hợp Việt Minh duy trì được sự cai trị lâu dài, thì cuộc cải cách ruộng đất sẽ tiến hành sau đó mới là chính sách chiến lược của chủ nghĩa xã hội. Với quan điểm mang tính lưu manh triệt để "đất đai là sở hữu toàn dân", cộng sản sẽ mau chóng dìm vùng nông thôn hiền hòa vào một cuộc cách mạng long trời lở đất, đấu tố, vu cáo giết người không gớm tay, nhằm mục đích tối hậu tước đoạt ruộng đất, sung công mọi tài sản của mọi nông dân vào tay ông chủ đảng duy nhất, biến tất cả nông dân trở thành như là một loại tá điền trá hình cho đảng và chế độ sẽ ban cho nông dân chức danh xã viên hợp tác xã làm chủ tập thể (?) như đã xảy ra tại miền bắc Việt Nam sau năm 1955.

Việc thiết lập quy chế tá canh và ban hành dụ số 57 để cải cách điền địa của chính phủ VNCH mới thực sự là chính danh và công minh, thuận theo lề thói công bằng của xã hội "người có công, kẻ có của" và trong sự điều tiết của luật pháp "không đập bể nồi cơm của giới chủ điền, cũng như không bóp nghẹt bao tử của người làm ruộng". Quan trọng hơn là đã thay đổi hẳn được mối di hại bóc lột của thời thuộc địa trong ôn hòa, vừa hữu sản hóa được người cùng khổ, vừa giới hạn được tệ nạn lạm thu của chủ điền trong luật định, nhưng tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau vẫn không bị sứt mẻ. 

Do các nỗ lực của Hà Nội luôn tìm đủ cách phá hoại sự ổn định tại nông thôn miền nam như len lỏi vào các cộng đồng thôn dân, ngăn cản tá điền ký hợp đồng với chủ điền, khủng bố các tá điền có làm đơn xin mua ruộng đất truất hữu, tổ chức bắt cóc, giết hại các chủ điền làm hồ sơ cho mướn ruộng thu hoa lợi theo quy định của luật pháp, ám sát các chuyên viên nông thôn, các cán bộ hạ tầng phụ trách hướng dẫn nông dân thực hiện cải cách điền địa, tăng cường phá hoại những khu trại, nông trang kiểu mẫu dùng huấn nghệ phương pháp canh tác mới cho nông dân và đánh phá các trung tâm, trạm, trại thí nghiệm trồng tỉa, cải tiến chăn nuôi của chính phủ VNCH, khiến cho chính sách cải cách và khuyến nông thời đệ nhất cộng hòa chỉ gặt hái được những kết quả hạn chế.

Trong tổng số 651.132 ha ruộng đất truất hữu để hữu sản hóa nông dân, đã có 405.281 ha phải chịu bỏ hoang tiếp tục và trên tổng số tiền 2,7 triệu VNĐ cho nông dân vay ngắn hạn, tổ chức quốc gia nông tín cuộc chỉ thu hồi lại được 17.8% và phải ngưng hoạt động năm 1964. 

Bảng dẫn: Sơ kết số thường dân nông thôn miền nam đã bị sát hại và bắt cóc bởi chủ trương khủng bố của cộng sản Hà Nội. 

Để cách ly thường dân khỏi các áp lực đe dọa của phiến quân cộng sản, chính phủ VNCH đã đề ra chính sách ấp chiến lược "….Không phải chỉ là một chiến lược quân sự hầu chống lại võ trang cộng sản, không phải chỉ là một phương pháp chống cộng du nhập, rập khuôn từ nước ngoài vào như cộng sản tuyên truyền, xuyên tạc, để hạ thấp các tác dụng cách mạng và chính trị chính sách của chính phủ. Chính sách ấp chiến lược nhằm đến sự xây dựng một xã hội mới, một nền sinh hoạt mới, với những giá trị mới, tự túc, tự giác, tự cường, bắt đầu từ cơ sở ấp, khóm mà chuyển biến mạnh mẽ lên thượng tầng kiến trúc quốc gia..." (Ngô Đình Nhu, Bài nói chuyện với cán bộ ấp chiến lược nhân dịp kỷ niệm 1 năm quốc sách ấp chiến lược 04/1962 – 04/1963). Trước mắt là để củng cố an ninh cơ sở, cải tiến sinh hoạt đời sống nông thôn và tăng cường các khả năng tự vệ cho người dân sở tại, theo phương châm tự quản, tự phòng và tự phát triển. Tháng 2/1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký ban hành sắc lệnh 11/TTP quy định về việc thiết lập ủy ban trung ương đặc trách chính sách ấp chiến lược.

Trên nguyên tắc, quy mô của ấp chiến lược nhỏ hơn ấp phổ thông, thường dựa trên căn bản đơn vị ấp hiện có, chỉ tập trung lại các đơn vị gia cư đang nằm rải rác về một khu nhất định, theo tiêu chí mỗi gia đình có 1.000m2 đất cất nhà và lập vườn, hình thành các cụm quần cư có dân số dưới 1.500 người và sự quản trị hành chánh của một ban trị sự ấp.

Về mặt an ninh các ấp chiến lược có hàng rào bảo vệ bao quanh, có từ một đến nhiều chòi canh quan sát tầm xa, có một số cổng chính ra, vào, do lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu tại ấp trực tiếp canh gác và kiểm soát. Ban ngày người dân trong ấp được tự do đi lại, sinh hoạt, làm ăn trong và ngoài ấp, chỉ có người lạ mặt muốn vào ấp phải qua thủ tục kiểm soát. Ban đêm các cổng chính ấp được đóng lại, tuy nhiên những trường hợp cấp thiết của dân chúng vẫn được giải quyết. Nếu bị tấn công thì dân chúng tổ chức tự vệ giai đoạn đầu để chờ lực lượng quân đội đến giải cứu. Về khía cạnh kinh tế, dân sinh, ấp chiến lược có nội dung và phương hướng phát triển tương tự như một khu trù mật thu nhỏ. 

Kế hoạch ấp chiến lược dự trù xây dựng, phát triển trong toàn cỏi VNCH khoảng 16.000 ấp chiến lược, trên tổng số hơn 17.000 đơn vị ấp hiện hữu. Tháng 3/1962 ấp chiến lược thí điểm đầu tiên được xây dựng ở Bến Cát - Bình Dương, đến tháng 8/1963 đã có 8.095 ấp chiến lược được xây dựng xong và tập trung nhiều nhất tại Nam phần. 

Bảng dẫn: Kết quả thực thi kế hoạch xây dựng ấp chiến lược trên lãnh thổ VNCH. Số liệu của Robert G. Thompson, Defeating Communist Insurgency: The Lessons of Malaya and Vietnam, 1966. 

Chương trình ấp chiến lược của chính phủ VNCH đã khiến nhiều cơ sở hoạt động nằm vùng của cộng sản bị cô lập, bị gặp nhiều khó khăn trong mọi vấn đề giao liên, tiếp liệu, tuyển mộ nhân lực và tai hại hơn phải đối diện với nguy cơ bị tiêu diệt dần, khiến Hà Nội phải tích cực đánh phá, gia tăng tuyên truyền chống phá quốc sách của chính phủ VNCH trên các mặt trận dân vận, ngoại giao trong, lẫn ngoài nước, hầu cứu vãn thất bại tất yếu một khi VNCH thiết lập thành công và hoàn tất chương trình ấp chiến lược trên toàn miền. Đáng tiếc, tháng 11/1963 nền đệ nhất cộng hòa cáo chung và qua tháng 3/1964 Trung tướng Nguyễn Khánh khi hành xử chức năng chủ tịch hội đồng quân nhân cách mạng đã ký sắc luật 103/SL/CT để giải tán chương trình ấp chiến lược.

Năm 1967, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mới tái tục công cuộc cải cách điền địa còn dang dở của Tổng thống Ngô Đình Diệm qua hai giai đoạn, từ năm 1967 tới 1969 áp dụng luật cũ là dụ số 57 và sau tháng 3/1970 thi hành theo luật mới Người cày có ruộng.

Trong các năm 1967 – 1969, số ruộng bỏ hoang đã được cấp phát tiếp tục cho nông dân dưới hiệu lực triển hạn của dụ số 57. Kết quả có 261.874 nông hộ được cấp 495.120 ha ruộng, nâng tổng số tá điền thành tiểu điền chủ lên 438.004 người, chiếm 48% tổng số tá điền, với 856.712 ha ruộng đất được hữu sản hóa, có quy mô trung bình 2 ha cho mỗi gia đình và chiếm 44% tổng diện tích trồng lúa của miền nam. Bất kỳ nông dân nào có bằng khoán ruộng đất, đều có thể vay dễ dàng số tiền dưới 50.000 VNĐ, so với chi phí trực canh 1 ha ruộng có thời giá khoảng 10.000 VNĐ và với lải suất rất thấp, chỉ có 1% cho các khoản vay ngắn hạn dưới 18 tháng. 

Ngày 26/3/1970, luật 003/70 tức luật Người cày có ruộng đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành ở Cần Thơ. Luật định truất hữu toàn bộ số đất ruộng không trực canh của mọi thành phần điền chủ và truất hữu số ruộng ngoài 15 ha cho các chủ điền trực canh, dùng cấp phát ưu tiên miễn phí lại cho những tá điền đang canh tác trên các mảnh ruộng không phải của mình với định mức 3 ha ở nam phần, 1 ha ở trung phần. Phần chính phủ bồi hoàn cho chủ điền, luật quy định trả liền 20% bằng tiền mặt và 80% còn lại trả bằng trái phiếu quốc gia, thời hạn 8 năm và lải suất 10% mỗi năm. Ruộng đất hương hỏa và của các tổ chức tôn giáo, được đặt ngoài hiệu lực chế tài của luật.

Trong ba năm 1970 - 1973, có 91,9% diện tích ruộng đất truất hữu thuộc sở hữu của 56% tổng số điền chủ đang sở hữu hơn 15 ha. Cụ thể có 51.704 điền chủ và 770.685 ha đất ruộng bị truất hữu, gồm 22.560 điền chủ nhỏ với 61.634 ha, 16.449 trung điền chủ với 158.110 ha và 12.695 đại điền chủ với 550.401 ha. 

Cùng thời kỳ có 858.821 tá điền được lần lượt hữu sản hóa, với 1.003.325 ha đất ruộng. Trong đó năm 1970 có 162.341 tá điền với 210.371 ha, năm 1971 có 307.782 tá điền với 410.045 ha và niên vụ 1972 – 1973 có 388.698 tá điền với 382.909 ha. Tính đến đầu năm 1975, có 1.119.703 nông dân đã được chính phủ VNCH cấp phát miễn phí một tổng diện tích ruộng đất đến 1.304.522 ha, đã hoàn tất cung cấp 1.049.359 chứng khoán trên 1.169.654 ha ruộng đất đã được cấp phát. 

Luật cải cách điền địa thời đệ nhị cộng hòa đánh dấu một cuộc cách mạng ruộng đất thật sự, nhiều quan sát viên quốc tế đánh giá chương trình người cày có ruộng của VNCH là một trong những kế hoạch cải cách điền địa không đẫm máu và thành công nhất so với các nước còn chậm tiến trên thế giới. 

Khi không thể bài bác, phủ nhận thành quả cải cách điền địa của nền đệ nhị cộng hòa VNCH, thông qua chính sách Người cày có ruộng, sự bất nhân thô bỉ của giới phản chiến tả khuynh quốc tế lại càng bộc lộ rõ ràng hơn khi nhắm mắt giả ngơ, lật đật quay lại tung hô và liếm nốt phần tuyên truyền cặn bã từ những chủ trương vô nghĩa của Việt Minh, mà bọn chúng đã hít hà ngay từ đầu trang sách. 


(Chuyển ngữ) "...Tuy nhiên, dưới thời Thiệu, chính quyền miền nam đã có những cố gắng trong việc cải cách ruộng đất. Năm 1940 có 60% nông dân không có đất canh tác và 20% khác sở hữu các miếng ruộng nhỏ hơn 2 mẩu Anh (ít hơn 8.100 m2). Hơn nữa các tá điền phải trả địa tô khoảng 74% tổng số hoa lợi hàng năm của họ cho chủ đất. Trong những năm 1940 và 1950, Việt Minh đã thu hút được sự ủng hộ của phần lớn nông dân miền nam, thông qua việc phân chia ruộng đất triệt để trong vùng quê, bắt giam và buộc chủ điền phải giao đất cho tá điền canh tác. Việt cộng tiếp tục các chính sách này và thông qua việc phân phối lại đất đai của các chủ điền khiếm diện, họ đã thu thêm được sự phục tùng của người nông dân khi tiến hành cuộc chiến tranh du kích…" 

Không có gì có thể che giấu mãi dưới ánh sáng mặt trời. Sau khi hoàn toàn cưỡng chiếm miền nam Việt Nam năm 1975, dù không muốn nhưng buộc lòng Hà Nội phải thừa nhận… "Chính sách ruộng đất của chính quyền VNCH về cơ bản đã xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất theo kiểu phong kiến tại miền nam Việt Nam. Chế độ đại sở hữu, một trong những đặc trưng của tình hình chiếm hữu ruộng đất ở các tỉnh đồng bằng Nam bộ đã tàn lụi, thay vào đó là chế độ sở hữu nhỏ về ruộng đất của người tiểu nông. Sự biến đổi sâu sắc về hình thức sở hữu ruộng đất là cơ sở kinh tế để nông nghiệp miền nam chuyển sang một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa…" (Phạm thị Hồng Hà, Những chuyển biến của kinh tế VNCH dưới tác động viện trợ Hoa Kỳ (1965 – 1975), luận văn tốt nghiệp thạc sĩ khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2012). Trong năm 1976 - 1977 cuộc điều tra về tình hình ruộng đất tại các tỉnh Nam phần, trước khi áp đặt kế hoạch tập thể hóa đất đai và hợp tác hóa nông nghiệp, do Hà Nội tiến hành ở Long Khánh, Biên Hòa, Long An, Hậu Nghĩa, Định Tường, Gò Công, An Giang, Châu Đốc, Sa Đéc, Kiến Phong, Kiến Tường, Kiến Hòa, Bạc Liêu và An Xuyên, kết luận chế độ tá canh trong nông nghiệp miền nam Việt Nam đã bị xóa bỏ, ngành trồng lúa ở miền nam đã thuộc về giới trung nông, với 85 – 90% số ruộng đất là tư hữu của 90 – 95% tiểu điền chủ có dưới 5 ha, chỉ có 10 – 15% số ruộng đất thuộc tư hữu của 5 – 10% trung điền chủ có hơn 5 ha ruộng đất. Tính riêng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết quả của cuộc điều tra năm 1978, cho thấy giới trung nông chiếm 70% dân số nông thôn, với 74,5% nguồn lao động, sở hữu 80% ruộng đất, 60% tổng năng lượng cơ khí, hơn 70% máy móc nông cơ cụ và 93% sức kéo trâu bò. 

Tình thế cải cách điền địa hợp ý trời, thuận lòng dân do chính phủ VNCH thi hành gần như hoàn tất mỹ mản, thiết thực đem lại quyền lợi trong công bằng cho mọi giới nông dân, khiến Hà Nội không còn cơ hội lừa bịp, hô hào phóng tay phát động một cuộc cách mạng cải cách ruộng đất long trời lở đất, thúc đẩy dân nghèo đánh đổ tầng lớp phú nông, địa chủ trong cướp bóc trắng trợn, đấu tố chết chóc và gây hận thù lâu dài trong nông thôn như đã xảy ra ở miền bắc Việt Nam.

Trong khuôn khổ cải tạo xã hội xã hội chủ nghĩa trên phần lảnh thổ VNDCCH do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát, Hà Nội đã rập khuôn theo mô hình của Trung cộng và thực hiện dưới huấn thị "Kiểu uông tất tu quá chỉnh" của Mao Trạch Đông, được Hồ Chí Minh giải thích cho cán bộ thi hành cải cách ruộng đất thể như muốn uốn thanh tre cong cho thẳng lại, phải uốn quá đi một tí và giữ lâu lâu, đến khi thả tay ra thì nó mới thẳng được "…Đảng của tôi nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật trở lại đã giết chết không biết bao nhiêu vạn sinh linh… (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và quốc hội, 1995). Thay vì trưng mua hợp lý, đảng cộng sản chủ trương dùng bạo lực tước đoạt tài sản của người nông dân này, tráo trở trao qua tay cho một nông dân khác trong ngắn hạn để lừa gạt, mê hoặc, trước khi sung công toàn bộ ruộng đất trong xã hội vào tay đảng cộng sản bằng chiêu bài hợp tác hóa. Chỉ tính riêng đợt thứ 5 cải cách ruộng đất thực hiện trong hai năm 1955 – 1956 trên 3.563 xã phía bắc vỹ tuyến 17, ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu nông dân và theo các tài liệu chính thức không thể kiểm chứng được độ tin cậy do Hà Nội công bố, đã có đến 172.008 người nông dân bị đem ra đấu tố, tức bị giết hại, trước khi bị chính quyền cách mạng (?) cướp hết ruộng đất và tài sản. Cuộc sống nông dân khắp các vùng nông thôn miền bắc sau cải cách ruộng đất đều tàn tạ, èo uột, hoàn toàn chỉ còn biết nương dựa vào sổ báo công, chấm điểm, do chân rết quyền lực của đảng cộng sản là các chi bộ đảng và ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp kiểm soát, thực hiện.

Sau chiến cuộc tết Mậu Thân 1968, nhờ tình hình an ninh được vản hồi tốt đẹp trên phạm vi rộng, trong nhiều vùng nông thôn miền nam và dưới điều kiện công cuộc cải cách điền địa đã phát huy hiệu quả tích cực, phối hợp với các chính sách tín dụng, khuyến nông thích ứng của chính phủ VNCH, nhằm đáp ứng trào lưu cuộc cách mạng xanh đang diễn ra thuận lợi trên thế giới, như cải tiến cây, con giống, đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng, tăng cường xử dụng phân bón, mở rộng quy mô trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… nên nền kinh tế nông nghiệp của miền nam Việt Nam đã nhanh chóng khởi sắc trở lại và nhiều ngành sản xuất đã bắt đầu có khuynh hướng đáp ứng vượt mức cho nhu cầu tiêu thụ nội địa, tiến tới viễn cảnh có thể tái xuất cảng lúa gạo vào năm 1975.

03/2018.


_________________________________

* Không thể tìm nguyên tác của tài liệu trích đăng, chỉ thấy một chapter (?) có tiêu đề Decolonization and Independence movement in Africa and Asia và tiểu mục South Vietnam, trên phần đầu của hình chụp trang sách. 

Bộ canh nông VNCH, niên giám thống kê nông nghiệp 1963 – 1964.

Lâm thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất tại Vietnam 1954 – 1994, 08/1994. 

USOM Vietnam, Annual Statistical Bulletin : Vietnam Economic, số 4/1960.

USAID, Annual Statistical Bulletin số 9, South Vietnam, 09/1966.

Thông điệp đọc trước quốc hội VNCH của Tổng thống Ngô đình Diệm tháng 10/1962 & tháng 7/10/1963.

The Strategic Hamlet Program, 1961-1963, Pentagon Paper, 1971.

Trần hữu Đính, Quá trình biến đổi về chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu giai cấp ở nông thôn đồng bằng sông Cữu Long 1969 – 1975, 1994. 

Nguyễn văn Trấn, Viết cho Mẹ và quốc hội, 1995.

Nguyễn minh Cần, Xin đừng quên nữa thế kỷ trước, 12/2002. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo