“Có lúc 50 năm,” Đường chúng đi không đến! - Dân Làm Báo

“Có lúc 50 năm,” Đường chúng đi không đến!



Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Đầu năm mồng ba mồng bốn vẫn còn chút Tết trong lòng, nhưng dường như tôi đang ngậm ngùi vô cùng khi nghe bài hát này. Điều mà chúng ta hết sức lên án phản đối, là nhà nước CSVN đúng là táng tận lương tâm khi bày trò trình diễn ca nhạc ăn mừng Tết 68 từ trước đêm giao thừa, cho đến mồng 5 này thì đài THVN lại tung ra chương trình “ca cẩm” nhạc kịch trên kênh VTV 1 mang tên kịch cỡm “Đường Chúng Ta Đi”. Và để một lần nữa, vết thương cào cấu lần này càng ung mủ hơn cả “ngày đại thắng 42 năm thống nhất” hôm nào, và cái họ cần tưởng niệm cho những oan hồn dân Huế chưa được yên nghỉ lại biến thành “Lễ Kỷ Niệm Cuộc Tổng Tấn Công Và Nổi Dậy”, thì vết thương của những con cháu bà con của hơn 6000 nạn nhân Huế sẽ bị xé toạc há miệng đến dường nào. Và như thế, xin miễn bàn về câu ta thán buồn cười và hơi lạ của nhà văn Nguyễn Quang Lập “Qua chuyện công bố thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi thấy tình hình này khó hòa hợp lắm.” Dĩ nhiên là dù ông Thủ tướng Phúc có ca cẩm “Tổ Quốc lắng nghe hơi thở của bà con kiều bào” thì mọi chuyện nếu không minh bạch và trả lại sự thật cho lịch sử, chứ không phải lịch sử cứ được viết bởi phe thắng cuộc và phe cánh bao che ngụy biện, thì chuyện HHHG là còn bất khả dài dài.

Ở đây tôi xin mượn tựa đề cuốn hồi ký vượt Trường Sơn của nhà văn chiêu hồi Xuân Vũ là “Đường Đi Không Đến”, mà trong thời gian làm phụ tá cho ông ở tờ Nguyệt San Non Nước, tôi vẫn hay hỏi đùa ông là có phải chính ông cũng đã biết đường đi lên XHCN sẽ không bao giờ đến nên xin ra hồi chánh không.

Bây giờ thì rõ ràng khi muốn dở trò tổ chức đủ kiểu, từ tầm cỡ quốc gia cho đến trình diễn “hoành tráng” như thế, thì họ đả động mồ, đào dậy một thứ ký ức tội ác chiến tranh đã bị “chôn sống tập thể”… nhưng bỗng bật tung tươi rói như mới xảy ra hôm qua.

Chuyện bây giờ mới kể

Chính tôi cũng có dịp bị khơi lại thứ ký ức đen ngòm, như khi lòng đã muốn quên mà không thể nào quên nổi. Dù có thể lúc đó tôi còn quá nhỏ, và gia đình tôi coi như “thoát” được một cuộc ăn Tết chạy giặc. Tuy nhiên, đã lỡ làm một người con của xứ thần kinh, tôi vẫn bị ngập ngụa trong thứ ký ức buồn thảm của cha tôi. Tết 68 khi giặc Cộng đánh tới đồn Măng Cá, cô tôi kể bà nội tôi vì quá hoảng sợ, nên chui xuống bàn thờ vừa chắp tay vừa đứng tim mà chết. Đã hết đâu, cái chết của bác họ tôi mới bi thảm không bút mực nào tả xiết. Bác Hoàng trai bị VC đột vào nhà bắt đi mất tích trước đó. Bác Hoàng gái tưởng là có thể ở lại ôm con, quay quần cùng con cái trong dịp Tết xuân về, ai dè chính sách “thà giết lầm còn hơn tha lầm”, cuối cùng bác ấy theo lời con gái là chị Sinh của tôi kể khi “may mắn” đi tìm được xác của mẹ mình, với hai tay bị trói ngược sau lưng, miệng há hốc, và người không bị thương tích gì nhưng nhờ bị chôn sống dưới vùng đất cát có chất muối, nên dù miệng ngậm đầy đất cát, nhưng xác khi vác lên miệng hầm vài tiếng sau mới bị vữa.

Những tiếng kêu không thể vô vọng

Như vậy thì những chứng nhân của thời ấy như Nguyễn Thị Thái Hòa, bức thư chất đầy nước mắt của sự thật từ cậu học trò Liên Thành với “thầy” Hoàng Phủ Ngọc Tường và nói rất rõ “người kia là bạn từ những năm học tiểu học tại trường tiểu học Nam Giao là Nguyễn Đắc Xuân”, hoặc bút ký Thảm Sát Huế Tết Mậu Thân của bác sĩ người Hòa Lan là Alje Vannema về những tên giết người dễ như làm thơ là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân, hay chị Sinh của tôi và biết bao người trong cuộc khác chưa kịp lên tiếng… phải chăng chỉ là những tiếng kêu la vô vọng, nhất là khi giới trí thức viết lách lắm chữ vẫn cố dùng những xảo ngôn, xảo biện và sẵn sàng để yên nhà nước này mở ra những kịch bản ăn mừng chiến thắng trên những mảng “nồi da xáo thịt” của chính anh em huynh đệ tương tàn?

Nhã Ca viết bút ký chạy loạn “Giải Khăn Sô Cho Huế” được Giải 3 VHNT 1972 thời VNCH và mới đây được dịch ra Anh Ngữ, và theo Nhã Ca thì “tai nghe là nghe người khác kể lại”, còn “mắt thấy” thì nhân vật mang tên Phủ đã được Nhã Ca viết là “không gặp Phủ trong Mậu Thân Huế”, lúc mà Nhã Ca đang chạy loạn. Và tôi bỗng nghĩ là hú hồn cho nhà văn “biệt kích văn hóa phản động” Nhã Ca sau 75, vì ngộ nhỡ có gặp thì chắc gì Nhã Ca “dám” từ chối theo Cách Mạng lên núi lên bưng và như thế là biết đâu cũng sẽ “có chuyện” bị xử đẹp ngay như 18 Sinh Viên ở sân trường Gia Hội?

Còn với nhà văn Nguyễn Mộng Giác là con rể Huế đã viết rất rõ trong Mùa Biển Động nhân vật tên Tường, mà hẳn nhiên không phải là tên Vách tên Phiên nào cả, và đã mô tả tên Tường này là một tay nằm vùng chỉ điểm hại bạn vào biến cố Tết 68.

Nhà văn Trần Vũ vừa rồi cũng có chia sẻ một trích đoạn trong cuốn hồi ký “Lưng Trần”, đại ý là chính Hoàng Phủ Ngọc Tường một hôm đi qua Nội Thành Huế cũng đã chỉ cho Trần Vũ nơi mà “Cách Mạng” đã cho giấu vũ trang, mai phục sẵn để chờ mở ra chiến dịch Mậu Thân trong dịp ngưng bắn ba ngày Tết. Chính vì thế, Trần Vũ không thể không buột miệng: “Giữa ông và tôi quả là khác nhau quá. Và ông đâu biết tôi đã dùng thứ ký ức này để nhớ Huế.”

Hẳn nhiên Trần Vũ không che giấu là Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn viết tùy bút tài hoa của VHVN. Tôi cũng nghĩ vậy, nên cũng không thể hiểu nổi là ông, cũng như em ông là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, và bạn ông là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phải chăng vì là những người quá lãng mạn hoang tưởng, và là nhà văn thường bẩm sinh vốn đa nhân cách, để cuối đời biết mình không thể chạy tội được nên thừa “hư cấu” để cho nhân vật xưng “tôi” cái tội nhẹ hơn, đó là tội háo danh năng nổ giống như một nhận xét sắc lẻm về tư cách nhà văn nói chung của nhà văn Phạm Thị Hoài trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Trần Vũ.

Thật ra chúng ta dẫu ngây thơ cách mấy cũng không thể không nhận ra “hai sai lầm” mà Hoàng Phủ Ngọc Tường cốt nhận bừa để rồi cũng chỉ nói “ngàn lời xin lỗi” bừa với hai sai lầm đó mà thôi. Vậy thì còn xa lắm với những lời ăn năn sám hối tưởng là thống thiết từ đáy lòng của người con Huế.

Chắc hơn ai hết, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thừa biết thứ sai lầm “đơn thuần” này không phải là điều mọi người cần ông giải bày, mà chính là thứ minh bạch không dễ gì được ai bạch hóa, là cái chủ trương độc địa của một hệ thống mà giờ này ai cũng đã phải chiêm nghiệm và lãnh đủ.

Những câu thơ chúc Tết Mậu Thân của ông Hồ Chí Minh hẳn không là điềm báo mà là một mật lệnh, trước khi đi nghỉ dưỡng ở Bắc Kinh và đã được đọc trước để thu thanh lại. Câu cuối của bài thơ tứ tuyệt: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.” không thể nói như kiểu Hoàng Phủ Ngọc Tường không có ở Huế tức là vô can. Cũng như HPNT là người văn hay chữ tốt nên chính ông đã viết và đọc lời hiệu triệu của mình để vang vang khắp phố thị Huế, khi chiến dịch Mậu Thân bùng nổ. HPNT còn ngồi ghế chánh án, dù danh sách nạn nhân bị ông xử trảm chắc còn lâu mới được phanh phui công bố.

Xin tặng cái hệ thống mà ông dường như không còn mấy hăng hái để bảo vệ, và có bảo vệ chăng thì thiển nghĩ ông nên bảo vệ bằng cách xưng tội thật lòng riêng với con gái ông là nhà văn Hoàng Dạ Thư, để may ra còn được khoan thứ vì đúng là “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. 

Đây là 16 chữ vàng đề tặng của dân gian: “Hèn với kẻ cướp. Ác với quân dân. Ngu mà nguy hiểm. Nhục vì độc diễn.”

Còn thì xin được chia sẻ bài nhạc “Có Lúc 50 Năm”, như một chút nhang đèn tưởng niệm (chứ không thể là kỷ niệm) cho một ngày giỗ trọng của hơn 6000 người dân Huế.








Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo