Quyết định 244 đã vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng như thế nào? - Dân Làm Báo

Quyết định 244 đã vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng như thế nào?

Bùi Minh Nhật (Đảng viên đảng CSVN) - Đại hội 12 đang bước vào giai đoạn cực kỳ quan trọng, nhưng Đại hội sẽ ra sao khi Quyết định số 244-QĐ/TW do chính ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành tháng 6 năm 2014 đang vi phạm nghiêm trọng Điều lệ của Đảng, tước đi quyền quyết định tối cao của Đại Hội Đảng để một mình tự tung tự tác. 

Căn cứ vào Điều lệ Đảng có thể thấy điều 13, 14, 17 và 19 của Quyết định 244 đã vi phạm nghiêm trọng tính nghiêm minh và dân chủ của Đảng. Xin được chứng minh như sau:

Tại Khoản 1 Điều 13 Quyết định số 244 có quy định “Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy”. Nhưng căn cứ vào Điều 3 của Điều lệ Đảng thì mọi đảng viên đều có quyền: “Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban chấp hành TW”. Việc “theo quy định của Ban chấp hành TW” ở đây có nghĩa là BCHTW quy định, hướng dẫn việc tổ chức bầu cử chứ không có quyền tước quyền ứng cử, đề cử của đảng viên mà Điều lệ Đảng đã minh định. Như vậy Quyết định số 244-QĐ/TW đã ngang nhiên tước đi quyền ứng cử, đề cử của đảng viên, vi phạm nghiêm trọng quyền căn bản của đảng viên và Điều lệ Đảng.

Tại Khoản 2 Điều 13 Quyết định số 244 tự đưa ra quy định ngang ngược “Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy”. Theo đó cụm từ “Ở các hội nghị BCH” bao gồm cấp ủy mới thuộc phiên họp đầu tiên chưa bầu ra Ban thường vụ mới và “ủy viên ban thường vụ” ở đây là của cấp ủy cũ: không được ứng cử, nhận đề cử nếu ban thường vụ cấp ủy cũ không đề cử. Rõ ràng ban thường vụ cấp ủy cũ là người quyết định và tước quyền của cấp ủy mới

Thậm chí tư tưởng áp đặt trắng trợn và mất dân chủ còn được thể hiện ở cấp trung ương. Tại Khoản 3 Điều 13 Quyết định số 244-QĐ/TW quy định rằng “Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị”. Như vậy, các Ủy viên BCT, Ủy viên BBT cũ không có quyền gì nếu không có trong danh sách đề cử của BCT, BBT cũ (mà thực chất là do ông Tổng Bí thư quyết định danh sách đề cử)!?

Vậy là toàn bộ 1510 đảng viên chỉ được quyền gật gù theo danh sách có sẵn của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứ không được đề cử, ứng cử gì cả. Quy định này đã tước luôn quyền của cả Ban chấp hành trung ương mới cũng như tước đoạt thẩm quyền đề cử, ứng cử của mọi đảng viên.

Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng lại có thể đang tâm 
ký một quy định sai trái và phản dân chủ như vậy? ​

Điều lệ Đảng có quy định Quyền của Đại hội là quyền quyết định tối cao nhưng Điều 13 của Quyết định này đã lộ rõ ý đồ của ông Nguyễn Phú Trọng khi muốn thâu tóm mọi quyền lực về tay mình, Cấp ủy, BTV mới hoàn toàn bị chi phối bởi cấp ủy, BTV cũ. Quy định này cho thấy cấp ủy, Ban thường vụ cũ sắp hết nhiệm vụ nhưng vẫn tìm cách cố tình chi phối, lũng đoạn cấp ủy mới, loại bỏ đảng viên tốt, tích cực đấu tranh với những sai trái, không đồng tình với “lợi ích nhóm”, dễ bị lãnh đạo “cấp ủy, BTV cũ” loại bỏ. Đồng thời thủ tiêu tinh thần đấu tranh, tạo ra tiền lệ “vuốt đuôi” lãnh đạo cấp ủy, BTV cũ. Một biểu hiện của tham quyền cố vị!

Tại Khoản 2 Điều 14 Quyết định số 244 quy định rằng “Ở đại hội đại biểu, chỉ đại biểu chính thức mới được ứng cử, đề cử đại biểu chính thức ở đại hội cấp mình để đại hội bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên”. Như vậy, những đại biểu dự khuyết bỗng chốc bị trở thành “bù nhìn”, thừa thãi, không có quyền nói lên ý kiến của mình, gây phân hóa giữa đại biểu chính thức và dự khuyết. Tạo ra tình trạng đảng viên cũ biến chất loại bỏ người tài, người tốt để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó.

Tại Khoản 3 Điều 14 Quyết định số 244 cũng quy định rằng “Đoàn chủ tịch đại hội đề cử nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị để đại hội bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên”. Quy định này không chỉ mâu thuẫn với Khoản 3 Điều 16 của chính Quyết định này “Đại hội (hội nghị) thảo luận và biểu quyết lập danh sách” mà còn cho thấy quyền lực của cấp ủy cũ bao trùm hết đại hội. Khi cấp ủy cũ chuẩn bị danh sách nhân sự và Đoàn Chủ tịch chỉ làm động tác công bố danh sách mà cấp ủy cũ đã chuẩn bị. Thật bất công!

Tại Khoản 1 Điều 17 Quyết định số 244 “...Người bầu cử nếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử thì gạch giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu. Trường hợp danh sách bầu không có số dư, phiếu bầu được chia làm 4 cột là: số thứ tự; họ và tên; đồng ý; không đồng ý. Người bầu cử đánh dấu X vào ô đồng ý hoặc ô không đồng ý tương ứng với họ và tên người trong danh sách bầu cử”. Quy định gây hoang mang cho đại biểu, thể hiện sự lẫn lộn khi yêu cầu vừa gạch tên người không bầu vừa đánh dấu X vào cột không đồng ý.

Hơn nữa tại Khoản 2 Điều này còn lệch lạc hơn khi yêu cầu đánh dấu X vào cả 2 ô đồng ý và không đồng ý. Thật nực cười, một lá phiếu xưa nay là chỉ đánh 1 dấu X, mà nay Quyết định này lại yêu cầu cả 2 dấu X, phải chăng đây là cách tính phiếu mới do ông Nguyễn Phú Trọng “phát minh” ra chăng?

Cuối cùng tại Khoản 10 Điều 19 Quyết định số 244 có quy định “Đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến đảng bộ trực thuộc Trung ương, nếu thực hiện việc bầu trực tiếp chức danh bí thư thì sau khi bầu cử cấp ủy, tiến hành lấy phiếu giới thiệu của đảng viên hoặc đại biểu của đại hội đối với chức danh bí thư; tổng hợp phiếu giới thiệu, báo cáo với cấp uỷ cấp trên trước khi tiến hành bầu cử chức danh bí thư. Sau khi cấp uỷ cấp trên có ý kiến chỉ đạo mới tiến hành bầu cử chức danh bí thư”. 

Bầu người đại diện cho mình sao lại phải xin ý kiến cấp trên? Bầu Bí thư cấp nào là quyền và là việc nội bộ của chi bộ, đảng bộ cấp ấy. Trường hợp các đại biểu đại hội bầu chọn đồng chí A, mà cấp ủy cấp trên ép buộc bầu chọn đồng chí B thì xử lý thế nào?

Tóm lại, vậy vai trò của BCT, BCHTW là gì? Hay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quyền quyết định vận mệnh đất nước mà không cần hỏi ý kiến của các đảng viên? Một Quyết định mà tước đoạt thẩm quyền tối cao của Đại hội Đảng như thế thì liệu tính nghiêm minh và công bằng trong Đại Hội Đảng 12 có được đảm bảo?

Khi Quyết định 244 được ban hành đã có rất nhiều người đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của Quyết định này? Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng như thế nào khi ký quyết định này? Bởi chắc chắn ông ta là người đứng đầu Đảng phải hiểu rõ Điều lệ Đảng hơn ai hết, tại sao lại có thể đang tâm ký một quy định sai trái và phản dân chủ như vậy? 

Rõ ràng, Quyết định 244 này thực chất là vũ khí “tước đoạt” quyền lực của Ban chấp hành Trung ương, thậm chí là tước đoạn quyền của các ủy viên Bộ Chính trị. Một quyết định mà ở đó 1 người (chưa kể đến trường hợp cơ hội) có quyền áp đặt ý kiến của mình, còn lại gần 5 triệu đảng viên đều trở thành “bù nhìn” hết.

Nhân dân cần 1 nguời lãnh đạo có tâm, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, chứ không cần 1 người già nua tham quyền cố vị. Các đại biểu hãy dũng cảm đấu tranh để trả quyền quyết định tối cao về cho đại hội, bảo vệ Điều lệ Đảng và bầu ra người đứng đầu bằng chính những lá phiếu công tâm của tất cả các đảng viên chứ không phải từ sự áp đặt của cường quyền!

Bùi Minh Nhật
(Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam)

*

Bài liên quan:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo