Khi Cộng Sản nói! - Dân Làm Báo

Khi Cộng Sản nói!

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - “Người biết ít thường nói nhiều, trong khi người biết nhiều thường nói rất ít” (Jean Jacques Rousseau -Triết gia Pháp) Tất nhiên người biết nhiều không phải là họ không muốn nói, nhưng vì một trong những đức tính tốt làm nên vẻ đẹp tâm hồn trong nhân cách con người đó chính là đức tính khiêm tốn, khiêm nhường… Mà một tâm hồn khiêm tốn trong cái đầu tỉnh táo và trái tim trung thực lại chính là nhân tố cần phải có của những nhà lãnh đạo, dẫn đường chân chính tốt nhất. Rất lạ, điều này không hề thấy trong tư duy của giai tầng độc tài lãnh đạo chế độ CSVN mà ngược lại sự kiêu căng, tự cao tự đại, ngạo mạn tự cho mình luôn luôn đúng (dù không đúng chút nào) lại nói rất nhiều và phát huy tối đa.

Điển hình: Trong những ngày này, dù các chế độ CS/Xã Hội Chủ Nghĩa trên toàn thế giới đã kéo nhau sụp đổ, nhân loại nguyền rủa chôn lấp nhưng rất nhiều những đường dao “chém gió” của CSVN thi nhau vung lên, đại loại như…

“Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc kháng 2/9 là những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại của dân tộc tạo nên bộ mặt đất nước có sự thay đổi toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp…” (!?) (VOV Oline - 18/8/2015).

…mốc son chói lọi, bước ngoặt vĩ đại, tạo ra thế mới và lực mới”!? Nghe như nhát dao của cái “dao phay lâu lắm không thấy cục đá mài”. 

Bởi trái với những lời hót như vẹt ấy thì chỉ 10 ngày sau, thông tin mới nhất từ Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 chính thức được khai mạc sáng ngày (27/8) ở Phía Bắc Việt Nam (Thanh Hóa) với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững”. Trong bài tham luận tại diễn đàn ông Đậu Anh Tuấn – một lãnh đạo của “VCCI” (cơ quan Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết:

“Doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập khối ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng chưa tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả, ông Tuấn lo ngại nêu ra hàng loạt những "điểm tắt nghẽn" của nền kinh tế như: bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh, tổng cầu tăng chậm, nợ xấu còn cao, xử lý chậm, thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tỷ trọng xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp... “Tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách của Chính phủ hiện đang ở mức 14,2%. Nhưng nếu tính cả phần vay đáo nợ, con số này hiện đang ở mức 26,2% GDP”. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và ngay cả Myanmar…Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 800.000 công ty & doanh nghiệp được thành lập, nhưng chỉ có khoảng 400.000 doanh nghiệp thực sự hoạt động, tỷ lệ % này quá thấp so với dân số trên 90 triệu và cũng quá thấp so với các nước, vùng lãnh thổ và khu vực có cùng điều kiện tương đồng….”(www.dantri.com.vn 27/8/2015) 

Hai mươi năm hội nhập ASEAN tóm gọn vào nhận xét nói trên của ông Đậu Anh Tuấn “VCCI” (cơ quan Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) không chỉ làm cho người dân ngán ngẩm với lối tuyên truyền rẻ tiền như lừa bịp nói trên từ VOV mà còn làm người dân không khỏi nhói lòng khi nghĩ tới lời nhận xét về Việt Nam của người tạo nên “kỳ tích Singapore” ngày nay (Cựu thủ Tướng Lý Quang Diệu): 

Và ngày xưa (1965) ông từng mơ ước:“hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn… (Lý Quang Diệu).

Nhưng thật đáng buồn, cái mơ ước cũng là nỗi ám ảnh làm sao phát triển Singapore cho bằng Sài Gòn từ ông Lý Quang Diệu cách đây 50 năm thì ngày nay hoán đổi vị trí ngược lại, nhà nước và đảng CSVN đang mơ ước không chỉ riêng Sài Gòn (TP/HCM) mà là cả nước Việt Nam đến bao giờ thì bắt kịp Singapore, khi mà Thu nhập bình quân đầu người của Singapore 68.541 USD/người (năm 2013) trở thành nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trên toàn thế giới, còn GDP bình quân đầu người năm 2014 của người dân Việt Nam chỉ hơn 2.000 USD… mà qui luật phát triển thì… không ai đứng lại chờ.

Mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) cũng chỉ cao hơn Lào:119 USD, Campuchia :121 USD, và vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines 206 USD, Thái Lan 357 USD, Malaysia 609 USD, Singapore 3.547 USD. (Malte Luebke - Chuyên gia cao cấp ILO)

Tất nhiên, lệ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, không thể so sánh Sài Gòn hay Việt Nam với Singapore trong quá khứ và ngày nay, nhưng một câu hỏi mà chúng ta không thể không bận lòng là “nguyên nhân” nào khiến một hoang đảo nhỏ bé diện tích chỉ bằng 1/3 TP/HCM đã sáp nhập vào Malaysia nhưng bị “chê” là của nợ chẳng lợi lộc gì lại hao tốn nước ngọt bị trục xuất vào năm 1965. Để rồi dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Lý Quang Diệu CT/đảng PAP (People's Action Party = Hành động Nhân Dân) trở thành quốc gia “sạch nhất” (cả 2 nghĩa đen & bóng) người dân có thu nhập và đời sống cao nhất thế giới!? .

DT: khoảng 700km2. (TP/HCM:2.095 km²) Như một ốc đảo, Singapore không có tài nguyên thiên nhiên, gần như các mặt hàng thiết yếu (ngay cả nước ngọt) đều phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trong nước.

Gồm 11 quốc gia nằm trải dài từ phía Đông Ấn Độ đến Trung Quốc, vùng Đông Nam Á (Asean) nhìn chung là một vùng với sức tăng trưởng kinh tế năng động nhanh chóng sau thế chiến, tạo nên 4 con rồng châu Á, và sau này có thêm sự xuất hiện của 4 con hổ Đông Nam Á. Bốn con rồng được nói đến là Singapore, Nam Triều Tiên, Hong Kong và Đài Loan. Bốn con hổ là Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Còn Việt Nam “lẽ ra phải xếp hàng đầu khu vực mới xứng đáng” (Lý Quang Diệu) thì rón rén lấp ló phía sau không bằng cái đuôi của con “rồng” Singapore? Nguyên nhân, yếu tố nào làm ra bi kịch khát biệt to lớn này? 

Câu trả lời có thể có nhiều diễn giải khác nhau nhưng gần với thực tế như nó đã diễn ra mà người ta rút ra được thì căn nguyên hay nguyên nhân được nhận diện là yếu tố Chính Trị bởi chính trị chi phối tư tưởng con người mà con người thì hành động phát sinh từ tư tưởng. 

Tại Singapore ông Lý Quang Diệu là một trong ba người thành lập Đảng Hành động Nhân dân Singapore (People Action Party = PAP) đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc, cầm quyền hiện nay, ông là một trong những nguyên thủ Đông Nam Á và Thế giới biết và hiểu rất rỏ về chủ nghĩa Cộng Sản, rất “dị ứng” với chủ nghĩa này.

Thời điểm 1965 tại Việt Nam, Hồ Chí Minh đang áp đặt siết chặt bức màn sắt chủ nghĩa Cộng Sản lên toàn miền Bắc VN thì ở Singapore ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của quốc gia này với quyết tâm ngăn chận mầm mống Cộng Sản phát sinh trong xã hội Singapore, tâm niệm của ông là muốn đưa Singapore trở thành một quốc gia cường thịnh, trước hết phải xóa bỏ mọi tàng tích Cộng Sản, ngăn chận mọi mầm mống phát sinh của ý thức hệ CNXH/CS tại Singapore. Tất cả chính sách đối nội của ông Lý Quang Diệu đều kiên định tập trung vào mục đích đó không lay chuyển mặc cho báo chí thiên tả trong vùng khoát lên mình ông cái áo “độc tài”, thậm chí ông không phủ nhận điều này “nhưng là độc tài vì sự thịnh vượng của Singaopre chứ không độc tài cho sự lớn mạnh của chủ nghĩa Cộng Sản” – ông khẳng định. Và ông có lý, thành công ngoài mong đợi. 

Ngày nay nhận xét về thành tựu của Singapore tác giả Reihan Salam, Chủ bút điều hành của National Review Institute kết luận rằng: “Còn lớn hơn cả Thành Tựu Kinh Tế, thành công chận đứng chủ nghĩa cộng sản tại Singapore mới đích thực là “kỳ tích” chói lọi của Lý Quang Diệu” (Lee Kuan Yew’s Greatest Accomplishment May Not Have Been Singapore’s Economic Success) đăng trên National Review 23/3/2015. 

Quả là chính xác không thể phủ nhận, nếu không may, Lý Quang Diệu giống Hồ Chí Minh thứ 2 và Singapore nằm dưới chế độ độc tài cộng sản như miền Bắc Việt Nam cùng thời điểm thì không và sẽ không bao giờ có một kỳ tích kinh tế tài chính và đa nguyên dân chủ hoàn hảo như Singapore hiện tại. 

Tiếp bước, kể thừa truyền thống từ người cha mẫu mực, “tượng đài” quốc gia, một vĩ nhân thế giới Lý Quang Diệu, con trai ông đương nhiệm thủ tướng Lý Hiển Long trước cuộc bầu cử Quốc Hội sớm hơn lệ thường năm nay 2015 cùng với 10 chính đảng hiện đang hoạt động trên chính trường Singapore, trong đó nổi trội là đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party) và Đảng Công nhân (WP) đối lập, Thủ tướng Lý Hiển Long gửi thông điệp tới người dân rằng, không chỉ ông là Thủ Tướng mà:

“Bạn sẽ được quyết định ai sẽ lãnh đạo Singapore cho 5 năm tới”

Đảng Công nhân Đối Lập Singapore ra mắt các ứng viên trước thềm 
cuộc tổng tuyển cử, như là việc đương nhiên của xã hội Singapore.

Rất quang minh chính trực – Quốc gia không của riêng ai, mọi người dân mọi đảng phái đều có đầy đủ cơ hội thực hiện quyền tham chính công bằng như nhau, do chính người dân trực tiếp lựa chọn, không thể có cái chiêu bài “Đảng cử dân bầu và Quán triệt trúng cử” dân chủ trá hình hoang dã như bầu cử tại Việt Nam dưới chế độ độc tài Cộng Sản….

Bầu cử “dân chủ hoang dã trá hình” 


Việt Nam, Đảng CS quyết định ai sẽ lãnh đạo Quốc Gia 

Đây là sự khác biệt đã làm nên “con rồng” Singapore so với Việt Nam trong thân phận trâu chậm uống nước đục vì phải kéo cái cày độc tài XHCN/CS. 

Lòng tự trọng là tự biết giá trị của chính mình, để: “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương” người khôn nghe nhiều hơn nói… Bởi lắng nghe sẽ biết được thêm nhiều điều hay cũng như dở… hơn là nói nhiều, nói bậy, nói càng, nói lấy được như cách nói của hệ thống tuyên truyền của một chế độ độc tài lạc hậu (như viện dẫn trên).

28/8/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo