Đêm ca nhạc đấu tranh: “Chúng tôi muốn biết” - Dân Làm Báo

Đêm ca nhạc đấu tranh: “Chúng tôi muốn biết”

Phượng Vũ - Gần đây một trong nhiều phương thức đấu tranh đòi quyền công dân, đòi quyền làm người, chúng ta thấy nổi lên phong trào đòi quyền được biết với khẩu hiệu “Tôi muốn biết, chúng ta muốn biết...” do Mạng Lưới Blogger Việt Nam khởi xướng đã gây sôi động trong dư luận đấu tranh.

Năm 1990, trước xu hướng trào lưu mới tràn lan trên khắp thế giới, đảng CSVN lo sợ rồi đây cũng sẽ bị sụp đổ như các nước đàn anh Liên xô hay các nước cộng sản Đông Âu, nên họ đã vội vàng bám víu vào đảng C.S Trung Quốc để xin bảo vệ. Từ đó hội nghị Thành Đô ra đời đảng CSVN đã lén lút ký kết mật ước với Trung Cộng để biến VN trở thành một tỉnh lỵ của Trung Quốc vào 2020, hầu bảo vệ địa vị và quyền lợi cá nhân của những nhân vật chóp bu trong đảng. Những thắc mắc này đã phổ biến từ lâu, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn giữ im lặng, làm ngơ không trả lời gì cả (hay vì “Há miệng mắc quai”?). Do đó Mạng Lưới Blogger Việt Nam mới dấy lên phong trào “Chúng tôi muốn biết” đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả lời thắc mắc người dân. “Được lời như cởi tấm lòng” hay như phím nhạc đã gõ trúng vào tâm thức yêu nước của người dân, lập tức sự cộng hưởng lan rộng. Mọi người tích cực tham gia hưởng ứng, làm thành một phong trào yêu nước rộng lớn, có 11 đoàn thể, tổ chức đã góp mặt. Họ không còn sợ hãi nữa, họ mạnh dạn post hình ảnh, tên thật, địa chỉ thật trên Facebook để minh định lập trường “Chúng tôi muốn biết”. Nếu không, chính quyền sẽ cho là phong trào ảo, không có thật, nên không cần trả lời.

Phong Trào "Chúng Tôi Muốn Biết” đáp ứng đúng trăn trở tâm tư người yêu nước và tạo nguồn cảm hứng cho nhóm Facebook “Hát Cho Tự Do” tổ chức một Đêm Ca Nhạc Đấu Tranh với chủ đề “Chúng Tôi Muốn Biết” vào ngày Quốc Tế Cho Quyền Được Biết (International Right To Know Day) 28 tháng 9 hàng năm để đồng hành cùng thế giới hưởng ứng chiến dịch. Đêm ca nhạc là một sự kết hợp giữa những người tù lương tâm trong nước và những người yêu nước hải ngoại cùng hát cho Quê Hương Việt Nam để đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. 

Khi chúng tôi đến Viện Việt Học thì đã nhìn thấy các anh em trong BTC đều mặc áo thun đồng phục với hàng chữ “We want to know” – “Chúng tôi muốn biết”. Mọi người đang chuẩn bị rộn ràng, những người tham dự thì đang háo hức với chương trình sắp diễn ra. Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi sẽ được trò chuyện trực tiếp và nhìn thấy bốn người tù lương tâm nổi tiếng trong nước, mà bấy lâu chúng tôi hằng ngưỡng mộ chí khí của họ: Phương Uyên, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Thanh Nghiên, và Nguyễn Hữu Cầu.

Hôm nay những người tù lương tâm trong nước không phải chỉ nói chuyện bày tỏ những suy nghĩ yêu nước mà họ còn hát cho chúng tôi nghe. Một đêm nhạc đấu tranh “độc nhất vô nhị” chưa từng xảy ra. Nhờ phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay (Skype) nên mới có sự kết hợp tuyệt vời để những người yêu nước hải ngoại và trong nước cùng lắng nghe tâm tư nhau, rồi cùng hát cho nhau nghe. Nó như một sợi dây kết nối tình thân của những con tim Việt Nam cùng chung một nhịp đập “yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi”. Sự kết nối này đã gắn liền những con tim yêu nước ở hai bờ Thái Bình Dương mênh mông xa cách, vượt qua nỗi sợ hãi giam cầm bắt bớ, truy sát, vượt qua sự kiểm soát của chính quyền Cộng Sản Hà Nội để đến gần với nhau hơn.

“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.” (NDQ)

Khi M.C Nguyễn Vy xuất hiện mở đầu cho đêm nhạc đấu tranh, chúng tôi quá đỗi ngạc nhiên, vì em quá trẻ, thực sự trẻ, nhưng lời em nói vô cùng chín chắn và trưởng thành tuy vẫn nhỏ nhẹ, khiến cho ai đó vẫn còn hay e sợ, có lẽ phải tự thẹn với lòng mình. Từ sau 75 Cộng Sản đã gieo truyền tư tưởng sợ hãi trong lòng người dân, khiến ai nấy lúc nào cũng bị nỗi sợ hãi ám ảnh. Cái này là độc chiêu của Cộng Sản từ Á sang Âu. Sự sợ hãi như một ám ảnh luôn đeo bám tâm tư ta, khiến ta không dám làm gì dù chính đáng, chỉ khi nào ta quyết tâm mạnh dạn thoát ra nó, lúc đó ta mới dám đấu tranh. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã dùng khẩu hiệu “ĐỪNG SỢ” để hiệu triệu dân Ba Lan, khi ngài về thăm quê hương. Nhờ khẩu hiệu châm ngòi này mà chế độ Cộng Sản Ba Lan đã bị cáo chung, kéo theo sự sụp đổ dây chuyền của hệ thống các nước Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô.

Em Nguyễn Vy cho biết ở Việt Nam bây giờ thời kỳ sợ hãi đó đã qua rồi, nhiều người dân trong nước đã dám công khai xuống đường biểu tình, bày tỏ ý kiến chống nhà nước Cộng Sản, chống Trung Cộng (viết trên tường, cầm bảng viết chụp hình đưa lên Facebook), dù sau đó có thể họ bị quấy rối, đánh đập, tù tội họ vẫn không sợ, không nản lòng. Vậy tại sao ở ngoài này chúng ta lại còn e dè, sợ sệt không dám công khai ủng hộ hết lòng những người đấu tranh trong nước? Em chân thành nói tiếp: "Người ta đồn ở Bolsa chỉ có những người già chống cộng, nhưng việc làm đó đều vô ích". Em khẳng định: "Điều này không hề vô ích, vì nhờ vào truyền thống đấu tranh đó, mà ngày nay mới có những người trẻ như con sẵn sàng tiếp bước cha anh. Sự ủng hộ của đồng bào hải ngoại như những phát súng cà nông bắn từ xa, làm hứng khởi tinh thần đấu tranh của anh em trong nước, làm kẻ thù sợ sệt hoang mang vì khi ra nước ngoài đi tới đâu chúng cũng bị bà con biểu tình phản đối xua đuổi. Em nhấn mạnh “We hold the key to the future”. Từng tràng pháo tay nhiệt liệt tán đồng ý kiến của cô M.C học trò, xứng đáng dại diện cho tuổi trẻ yêu nước hải ngoại, chúng tôi hãnh diện có những người trẻ như thế. Cám ơn em, Nguyễn Vy.

Sau đó em mời mọi người cùng đứng lên để hát cho khí thế mở đầu cho đêm nhạc đấu tranh với bản “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của N.Đ.Q. Thế là cả hội trường đứng lên hăng hái vừa vỗ tay vừa hát với tất cả nồng nàn trong trái tim mình cùng với 2 tiếng tây ban cầm hòa nhịp:

“Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang 
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang 
Còn Việt Nam 
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”.

Tiếp đó là phần trình diễn của anh Bùi Khanh với bài hát “To Nhỏ, Nhỏ To”, một bài hát châm biếm chế độ Cộng Sản Hà Nội rất thú vị:

“Việt Nam đất nước tôi
Là một đất nước hơi nhỏ…
Nhiều con đường nho nhỏ
Có những biệt thự thật to
Trong biệt thự thật to
Có những cô vợ bé nhỏ."
"Những cô vợ bé nhỏ
Là của các ông quan to
Những ông quan thật to
Có những cái cặp nho nhỏ."
"Trong cái cặp nho nhỏ
Chứa những dự án thật to
Những dự án thật to
Hiệu quả lại rất nhỏ."
"Năm, ba sai lầm nhỏ
Nhưng thất thoát thật là to
Thất thoát thật là to
Trách nhiệm lại rất nhỏ..."
"Trong đất nước nho nhỏ
Có nhiều lãnh đạo thật to
Nhưng cái đầu rất nhỏ
Và có túi tham thật to, 
Trí óc ông quá nhỏ
Gây thiệt hại đất nước to thật là to.”

Đúng là dân Việt Nam rất thâm thúy trong việc dùng sự phong phú của tiếng Việt để châm biếm các quan to của Đảng. Thích thú trong việc dùng từ “đối lập” của bài hát (thơ của du học sinh) tôi về lên internet để nghe lại, mới biết bài hát còn đoạn cuối châm biếm về Việc Trung Quốc xâm lấn đất nước ta cũng rất ý nghĩa:

"Việt Nam là một nước nhỏ.
Phía trên có nước thật to 
Chúng ưa ăn hiếp nước nhỏ.
Tranh cướp nhiều miếng đất to.
Đảng bảo đất là chuyện nhỏ…
Mười sáu chữ vàng mới to..."

Sau đó trên màn hình thật to (qua skype) chúng tôi nhìn thấy Phương Uyên mộc mạc với nụ cười đơn sơ, dễ thương cất lời chào mọi người, rồi ngỏ lời cám ơn mọi người, vì nếu không có sự đấu tranh mạnh mẽ và áp lực từ bên ngoài, có thể giờ này em vẫn chưa được thả ra. Tuy hiện nay em vẫn đang bị giam lỏng trong nhà (quản chế tại gia). Hình ảnh thu được từ trong nhà của em ở Binh Thuận. Khi được hỏi:

- Hiện nay, điều gì làm em sợ nhất?

- Em sợ nhất là bệnh “vô cảm”, thờ ơ trước mọi chuyện xảy ra chung quanh. Em sợ nhất vì đó là nguồn cơn làm cho con người không phải là con người nữa. Từ đó người ta sẽ chấp nhận sống trong dối trá, suy thoái về đạo đức và dễ dàng trở thành nô lệ.

- Vậy hiện nay đối với em, hạnh phúc lớn nhất là gì?

- Làm sao cho công lý và sự thật được càng nhiều người biết càng tốt, vì khi sự thật được công bố rộng rãi, nó sẽ đập tan sự dối trá.

Trên màn hình chiếu lại những hình ảnh cô bé học trò áo trắng hiên ngang ngẩng cao đầu trước phiên tòa dõng dạc nói: “Tôi không có tội, nếu có tội là tội yêu nước” Cô bị bắt, bị bỏ tù vì rãi truyền đơn chống Tàu khựa xâm phạm biển Đông. Rồi hình ảnh Phương Uyên khi ra rù được các bạn trẻ vui mừng công kênh như một anh hùng dân tộc. Khi được hỏi câu cuối:

- Cảm nghĩ của em khi bị cả đám công an Hà Nội uy hiếp và hành hung em ở phi trường Nội Bài năm rồi

Em từ tốn trả lời:

- Cảm nghĩ của em trước sự việc này là em thấy rõ ràng chính quyền Cộng Sản Hà Nội rất yếu, vì nếu là một chính quyền mạnh, sao họ lại sợ em đến vậy? một cô gái yếu đuối không có một tấc sắt trong tay để tự vệ.

Từng tràng pháo tay nổi lên vang dội trước câu trả lời quá hay của Phương Uyên. Có tiếng nói lớn từ dưới hội trường vang lên: “Em đúng là một Anh Thư Việt Nam trong thời đại hôm nay”

Sau đó Phương Uyên hát tặng mọi người bài “Vì Quê hương xuống đường” ( Thái Hoàng):

“Vì quê hương, xuống đường anh em ơi! 
Biển Đông kia chúng ta cùng xông tới 
Hoàng Trường Sa, đất Việt, của dân Việt 
Quyết giữ gìn, xương máu thà hy sinh”

Liên tục chương trình, chị Lâm Dung lên sân khấu hát bài “Đòi quyền yêu thương” của Phan Đăng Hưng):

“…Đòi quyền của tình thương, để cùng ngậm ngùi hàn gắn bao nỗi lầm than…
Để cùng đòi lại quyền sống như con người, đòi đi, đòi đứng, đòi quyền của tình thương”

Nghe ngậm ngùi cho dân nước tôi sau mấy chục năm hòa bình thống nhất mà sao vẫn còn thảm thương thế này?

Tiếp theo là phần giới thiệu người tù lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, trước đó anh hành nghề luật sư, sống nhàn hạ, kiếm tiền, tiêu tiền thoải mái. Nhưng từ khi anh tham gia đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, anh bị đánh đập, giam cầm tù tội và bị xử 4 năm tù (theo điều 88 bộ luật hình sự). Năm 2010, ra tù anh khi muốn đi đây đó, anh trở thành “chuyên gia xe bus”. Nhà anh bị công an tới quậy đập phá đồ đạc, tịch thu laptop, cell phone, máy chụp hình… nhưng anh vẫn kiên định đi theo con đường mình đã chọn. Có lần vợ chồng anh trên taxi tới tòa đại sứ Úc (Hà Nội) theo lời mời gặp mặt của họ. Taxi đã bị công an thường phục chặn lại, lôi anh xuống xe đánh đập giữa phố Hà Nội, cho tới khi người đi đường bất bình can thiệp, họ mới bỏ chạy. Gần đây nhất 28/8/2014, anh bị công an truy sát bằng cách lái xe Honda tông thẳng vào người khiến anh bị thương nặng phải đưa vào bịnh viện Pháp- Việt cấp cứu. Nghe tin anh bị truy sát, anh Tuyến xích lô Q 8 nổi tiếng với gánh nước trà có tấm bảng “Không bán nước” đã nghẹn ngào thấy ly cà phê buổi sáng trở nên đắng ngắt. Đúng là chính quyền cộng sản có biệt tài đào tạo ra “những con thú đội lốt người” chuyên đi hãm hại dân lành vô tội.

Khi anh xuất hiện trên màn hình để trò chuyện, trên mặt anh vẫn còn những vết thương. Lúc được hỏi: "Vì sao anh đang có một cuộc sống êm đềm với nghề luật sư kiếm tiền nhiều, tiêu tiền thoải mái mà anh lại từ bỏ để đi vào con đường chông gai?”

Anh tâm tình: Từ đầu năm 2000 khi tham gia “Hội doanh gia Saigon” được đi nhiều nơi, tôi mới chợt nhận ra rằng “Ở quê, dân mình còn khổ lắm!”. Tôi suy nghĩ mãi không biết cách nào để giúp họ. Nếu bỏ tiền mở nhà máy, chỉ giúp được vài trăm người… chỉ còn cách giúp đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, khi thành công đất nước khá lên, đời sống người dân sẽ đỡ khổ rất nhiều. Như vậy sẽ giúp được nhiều người hơn. Tù đó tôi tham gia giúp dân oan viết đơn, chỉ đường cho họ khiếu kiện, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

- Điều gì làm anh vui nhất?

- Trong thời gian ở tù, tôi có dịp gặp được nhiều tù nhân lương tâm khác. Chúng tôi chia sẻ tâm tư đấu tranh và hỗ trợ tinh thần nhau. Nó chính là động lực lớn giúp tôi tin tưởng càng nhiều bàn tay chung sức, chắc chắn ngày thành công sẽ không xa.

- Anh có điều gì cần nhắn nhủ mọi người.

- Hãy hết lòng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Các bạn trẻ trong nước phải đấu tranh vì cho chính mình.

Các bạn ở nước ngoài hãy lên tiếng ủng hộ đấu tranh trong nước. Nguyễn Bắc Truyển giơ cao tấm bảng “Tôi muốn biết” và khẳng định: “Nếu không có sự hổ trợ của nước ngoài, phong trào dân chủ sẽ không thể nào lớn mạnh được. Người trong nước như “cá nằm trên thớt”, hôm nay còn nói chuyện với các bạn, có thể ngày mai lại bị bắt.

Sau đó anh xin hát bài “Việt Nam tôi đâu” của nhạc sĩ Việt Khang:

“Việt Nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu
Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
Người người cùng nhau
Đứng lên đáp lời sông núi”

Phải, người Việt Nam cần phải “Đứng lên đáp lời sông núi”. Hãy nhìn sang Hong kong hằng trăm ngàn học sinh, sinh viên Hong Kong xuống đường biểu tình chống chính quyền Bắc kinh đòi quyền bầu cử tự do thật sự. Các bạn trẻ Việt Nam còn chờ gì nữa? Hãy đồng loạt đứng lên:

“Dậy mà đi sông núi đang chờ
Dậy mà đi, dậy mà đi
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”

(còn tiếp)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo