Chúng ta có thể làm được gì? - Dân Làm Báo

Chúng ta có thể làm được gì?

Lý Quốc Việt (Danlambao)Thời gian gần đây, trên các báo giấy cũng như báo mạng, trong cũng như ngoài nước, những sự kiện liên quan tới tình hình biển Đông, đặc biệt là giữa Việt Nam và Trung Cộng là những sự kiện nóng bỏng, nhạy cảm và quan tâm nhất đối với hầu hết các tầng lớp người dân Việt Nam, hải ngoại cũng như quốc nội, trong và ngoài chính quyền. Rất nhiều các bài viết liên quan được tung ra. Vô số ý kiến, phê bình từ các độc giả đóng góp trên các mạng. Không khí tranh luận, bàn góp đa chiều, có thể nói còn sôi nổi và trực diện hơn cả những cuộc họp trong tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên, mọi ý kiến bàn thảo vẫn chỉ là trên lý thuyết. Các trang báo mạng trở thành phương tiện tiêu cực cho người ta bộc bạch ý thức, bức xúc đối với tình hình thời sự. Có điều chưa có một phương án hoặc hành động thực tiễn nào cụ thể được tìm thấy. Trong cái vòng lẩn quẩn này, kết cục để lại câu hỏi là “Chúng ta sẽ làm gì?” “Chúng ta có thể làm được gì?”.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta phải đoàn kết, phải can đảm, phải cùng nhau vùng lên, để áp lực, để đòi hỏi, để chống, để tự vệ, vân vân và vân vân. Khuynh hướng này không sai, bởi vì không một thắng lợi nào không đòi hỏi sự vùng dậy. Tuy nhiên, với tình huống hiện tại, kết quả gặt hái được có khả quan không?! Nhiều điều kiện liên hệ, như đời sống, bối cảnh chính trị, phương tiện, khả năng thống nhất v.v... sẽ tạo giới hạn trong việc thực hiện. Nói như vậy không có nghĩa là không cần thiết và vì thế mà chọn con đường thụ động.

Cũng có lập luận cho rằng nên phát động đấu tranh ôn hòa, không bạo lực, tránh tổn hại, nguy hiểm, phí phạm xương máu v.v... Dĩ nhiên đây là cách đấu tranh lý tưởng mà hầu hết mọi người đều mong muốn, vừa dễ dàng hơn, vừa an toàn hơn. Nhưng thật ra đó chỉ là nghĩa “cận” của từ “ôn hòa”. Dùng “ôn hòa” để tranh đấu, tạo áp lực “mềm” để đạt thắng lợi, như vậy “ôn hòa” chắc chắn phải có sức mạnh triệt để của nó, nếu không thì chỉ là “xin” chứ không phải là “đấu tranh”. Dùng sức mạnh của “ôn hòa” để chiến thắng bạo lực, để triệt hạ bạo lực. Như vậy có coi là “bạo lực” không?! Tôi cho đây là “bạo lực của ôn hòa” đấu với “bạo lực của bạo lực”. Và như vậy, dù là “ôn hòa”, vẫn phải chấp nhận hy sinh, tổn thất và không “an toàn”. Một thí dụ thực dưới đây là minh chứng:

Người ta thường mang thánh Gandi ra làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh “ôn hòa”, “bất bạo động”, của Ấn Độ chống lại Anh Quốc, được coi như là cuộc thánh chiến giành độc lập. Tuy thế, để đạt được thắng lợi, Ấn Độ đã trả giá bằng hàng chục ngàn sinh mạng, hàng trăm ngàn người bị bắt giam và phải trải qua mấy chục năm kiên trì. Cho nên chúng ta phải nhìn ra là cuộc đâu tranh hiên nay, dù bất cứ hình thức nào cũng là thật, chứ không phải là một vở kịch hay bộ phim về đấu tranh.

Sở dĩ tôi phải dài dòng là vì tôi muốn đưa ra những hình ảnh tiêu cực cũng như tích cực hầu đóng góp ý kiến, không phải “Chúng ta có thể làm được gì?”, mà là “Những gì chúng ta có thể làm được”, trong khả năng của mọi người, mọi tầng lớp, trong môi trường mà tôi cho là “ôn hòa” và “an toàn” nhất. Ở đây tôi chú trọng đến “Trung Cộng” là chính, đối tác đấu tranh quan trọng, như đã đề cập ở phần mở đầu.

Nói đến Trung Cộng tức là nói đến gã khổng lồ tham lam và hung hiểm. Sức mạnh và sự hung hăng của gã khổng lồ khiến những đối thủ nhỏ bé và dĩ nhiên chính gã, tưởng chừng gã là kẻ vô địch, bất khả xâm phạm. Đây quả là sai lầm cả về ý thức lẫn lịch sử. Lịch sử hàng ngàn năm giữa Việt Nam và Trung Hoa đã chứng minh, tôi nghĩ không cần bàn ở đây. Sự thật chung là, không một thứ sức mạnh nào là sức mạnh vô địch và bất khả xâm. Không có gã khổng lồ nào là vạn tuế cả và cũng không có gã khổng lồ nào hoàn toàn không có nhược điểm. Điều khẳng định trong lịch sử là gã khổng lồ Trung Hoa không thể so sánh được với anh tý hon Việt Nam ta.

Trở lại ý kiến về “Những gì chúng ta có thể làm được”. Chắc chắn không phải là không có, chỉ là chùng ta có muốn và quyết tâm làm hay không thôi. Theo thiển kiến, tôi nhận thấy ngưới Việt ta (cả trong lẫn ngoài nước), nói chung đều có nhiệt tâm, quả cảm, tinh thần chiến đấu cao, có thể chấp nhận hy sinh sinh mạng khi cần. Nhưng có lẽ it người có thể hy sinh, hoặc nghĩ tới chuyện hy sinh “nhu cầu hưởng thụ” của mình. Vậy chúng ta có thể “tự chế và chuyển hướng chi tiêu” không? Ý tôi là, nếu chúng ta có thể truyền đạt tới nhau để tạo nên một “phong trào tẩy chay” tất cả hàng hóa Trung Cộng (kể cả sản xuất tại Việt Nam), hạn chế tối đa những gì ta co thể (nhu yếu cũng như xa xí). Bạn cứ tưởng tượng một bài toán giản dị, giả sử mỗi người chỉ cần giảm mua hàng Trung Cộng, 1 đô la một ngày, và tôi lấy con số đầu người là 10 tới 20 triệu trên 90 triệu dân, như vậy sự thâm hụt vào túi “chú ba” là 10-20 triệu/1 ngày. Thay vào đó, chúng ta bảo nhau chỉ mua hàng của người Việt, do hãng Việt sản xuất, con số cách biệt từ túi “chú ba” và túi dân Việt sẽ là 20-40 triệu/1 ngày (chưa kể con số từ phong trào tại nước ngoài). Như vậy là chúng ta làm một lúc hai việc, giảm thu của Trung Cộng vả tăng kinh tế cho Việt Nam. Hơn thế nữa, tẩy chay hàng Trung Cộng cũng là ngăn chặn những chất độc hại từ Trung Cộng mang sang đầu độc nhân dân ta. Cần nhận ra rằng, tiền của mà Trung Cộng dùng để “Chạy” quan chức Việt, như dư luận vẫn thường nói tới, không phải từ ngân sách chính của Trung Cộng, mà là từ lợi nhuận kiếm trên mồ hôi và xương máu của nhân dân Việt. Nếu chúng ta tạo được “phong trào” như vậy tức là chúng ta đã kêu gọi đoàn kết vô tội vạ. Một phong trào đoàn kết đáng kể.

Ý kiến kế tiếp là “kiến thức, sáng kiến và áp dụng sáng kiến”. Đây là những điều không những giúp phát triển cho cá nhân, mà còn giúp cho sự phát triển đất nước, dân tộc. Hơn nữa còn giúp chúng ta thoát được sự kềm chế và lệ thuộc vào nguồn cung cấp sản phẩm từ nước ngoài. Những người kinh doanh thành công không hẳn họ có nhiều sáng kiến, nhưng họ biết sử dụng sáng kiến, không nhất thiết là của chính họ, có khi còn đánh cắp sáng kiến của người khác, họ biết định giá và đưa sáng kiến phục vụ nhu cầu thực tiễn trong đời sống hàng ngày. Cho nên, khi bạn chợt nảy ra một sáng kiến tốt (mọi lảnh vực, nhỏ hoặc lớn), dù chưa thể thực hiện, bạn vẫn cần ghi nhớ đâu đó, đừng dửng dưng coi thường nó. Bạn cần tranh thủ để lựa lọc, nghiên cứu và chế tạo ra từ sáng kiên đó và tìm hiểu môi trường để áp dụng nó. Tuy nhiên kiến thức tốt luôn phải là yếu tố cần thiết để có được những sáng kiến tốt. Các bạn trẻ nên nhận thức các bạn là tương lai đất nước. Tôi không dám lên lớp với các bạn, tôi chỉ mong góp ý với các bạn. Trong khi các bạn còn cơ hội ngồi dưới mái trường, điều quan trọng không phải là các bạn được bao nhiêu điểm khi ra trường, nhưng là các bạn thu thập được bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu hiểu biết khi còn ở dưới mái trường. Đó chính là điều cốt lõi để phát triển tương lại các bạn và đất nước. Không có kiến thức tốt, một số các bạn may mắn, có điều kiện tìm cho mình con đường tắt hoặc ngõ ngách để tiến thân, nhưng những ngõ ngách đó liệu có đủ rộng cho tất cả hay không? Muốn cho đất nước trở thành một quốc gia tân tiến, có nền công nghệ cao và có thể cạnh tranh với thế giới, chúng ta không thể dựa vào những con đường tắt, những ngõ ngách và tùy thuộc vào may mắn được.

Ý kiến cuối cùng trong suy nghĩ của tôi là “giữ lửa”. Dù chúng ta chưa đủ sức mạnh để có thể làm được những chuyện to tát, đội đá vá trời, thì trong tiềm thức của mỗi chúng ta, phải giữ cho mình một ngọn đuốc, chúng ta nên tìm thêm đuốc trao cho những người chưa có, sẵn sàng đó. Một khi cần đến, một cơn gió thuận thì 90 triệu người dân Việt với 90 triệu ngọn đuốc trong tay, không một thế lực nào, không môt tên khổng lố nào không thể bị thiêu hủy. Vì vậy chúng ta không được quyền bi quan, còn người Việt Nam, còn hơi thở là còn tất cả hy vọng.

Lý Quốc Việt


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo